Nhãn

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Phấn đấu ký số 43


CŨNG TAI, CŨNG MẮT, CŨNG ĐẦU, NHƯNG KHÁC CHỖ ĐỨNG NÊN KHÁC NHAU CÁI ….MỒM! 
Nhạc sĩ Tô Hải

Đáng lẽ tuần này, thay vì việc “xía vô chuyện nước người“, tớ sẽ trở về với “chuyện nước nhà” bằng một loạt bài cứ ấm ách mãi trong đầu mấy tuần nay mà chưa đủ sức ngồi lên ki-bót gõ mấy dòng về:
-Những “chuyên ra” tạo những con số % mà các nhà kinh tế có tên tuổi trong và ngoài nước đã dùng lý lẽ cực kỳ chuyên môn bác bỏ vì nó là: “nguỵ tạo”, là “không biết lấy ở đâu ra”, là “đầy mâu thuẫn”, là tự sướng, tự nói dối mình chứ… phá sản đã lồ lộ trên con đường “Ta đi tới”! Kinh tế học ba xu như tớ, tớ sẽ lấy lý luận thực tế rút ra từ ….. báo cáo của bà xã mỗi ngày ra chợ một lần để kiếm sống, bằng những cái hoá đơn tiền điện, tiền nước, tiền gaz, tiền học, tiền thuốc, tiền rác, tiền gửi xe, tiền điện hành lang, máy bơm nước chung cư ….trăm thứ hầm bà lằng tiền gì cũng tăng theo ở ngay gia đình tớ ,.. đến mức ngày 7/3 , vừa lãnh xong lương hưu từ thời bao cấp hơn ba triệu bạc cụ Hồ, bà xã đã than: Mới có mồng 10 mà chẳng còn đồng nào trả tiền học cho con! Riêng tớ, từ tháng 3 này tớ đã tình nguyện không ăn sáng bằng cách….ngủ liền đến 11 giờ trưa cho đỡ khổ vợ, khổ con ….Tớ định tung luôn cả cái câu của ông bạn vàng văng tục như hát hay từ những năm còn chung nhau một tấm chăn trấn thủ: “Tổ cha ba cái thằng soạn báo cáo cho “mấy anh đọc”: ”Thu nhập dân cư tăng….35%! Tăng, tăng, tăng cái “củ xê” gì mà một thằng đi cách cái mạng từ những năm 45 mà hôm nay “bát phở” chỉ còn là hoài niệm!”

Sóng thần ập vào thành phố cảng Kesennuma, Nhật Bản.

Clip mới: Kinh hoàng xem sóng thần ập bờ
                                    Thứ Hai, ngày 28/03/2011, 17:05

             Sóng thần cuốn trôi cả một tòa nhà vững chãi           

Một đoạn video mới được đăng tải trên trang Youtube ghi lại sự tàn phá kinh hoàng của con sóng thần cao ngập nóc một tòa nhà ập vào bờ và cuốn phăng mọi thứ.
Con sóng như một máy nghiền khổng lồ ngốn và nghiền nát tất cả những gì trên đường nó đi qua. Từ đồ đạc, xe cộ tới những căn nhà vững chãi cũng không thể đứng vững trước sức mạnh khủng khiếp của con sóng.
Chỉ trong phút chốc, tất cả mọi thứ đã bị con sóng cao hơn 10m mang theo lượng nước khổng lồ đẩy sâu vào đất liền. Những thứ còn sót lại duy nhất chỉ là những căn nhà cao tầng vững chãi bằng bê tông cốt thép. Chúng bất đắc dĩ trở thành những con thuyền giữa biển nước mênh mông.
Đoạn video dưới đây được ghi lại hình ảnh con sóng thần ập vào thành phố cảng Kesennuma, Nhật Bản.

             Sóng thần ập vào thành phố cảng Kesennuma, Nhật Bản (1)
                 Sóng thần ập vào thành phố cảng  Kesennuma, Nhật Bản (2)
Nguồn: http://hn.24h.com

Khi thợ săn mất súng

Khi thợ săn mất súng

Đặng Văn Sinh

(Nhân đọc truyện ngắn "Muối của rừng" của Nguyễn Huy Thiệp)

Trong nền văn học Việt Nam đương đại, "Muối của rừng" là truyện ngắn khá nổi tiếng. Tuy dung lượng chỉ khoảng ba nghìn năm trăm chữ, nhưng từ hai mươi năm qua, vẫn luôn là một câu hỏi để ngỏ, chẳng những với bạn đọc mà ngay cả các nhà phê bình có uy tín cũng chưa đưa ra được những kiến giải có sức thuyết phục trong việc thẩm định giá trị tác phẩm. (Cũng xin thưa, điều tôi muốn nói ở đây là những nhà phê bình công tâm, có bản lĩnh, luôn lấy giá trị đích thực tác phẩm làm đối tượng nghiên cứu chứ tuyệt nhiên không dám mạo phạm đến các bậc mũ cao áo rộng, học vị học hàm đầy mình, được trang bị tư tưởng học thuật đến tận răng, hưởng "lộc chúa" dày, khi "giá lâm" trường văn trận bút là ra đòn hội chợ, đánh một phát chết tươi những tác phẩm dám mang "giá trị biểu tượng hai mặt"). Với tư cách là người viết văn, tôi cho rằng, "Muối của rừng " là một trong những truyện ngắn thuộc loại hay nhất của lịch sử văn học Việt Nam bởi tính nhân văn sâu sắc, hàm chứa một tư tưởng nghệ thuật lớn thông qua kỹ năng viết bậc thầy.

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Đất nước đi về đâu?

Nói không thật, làm không thật, đất nước đi về đâu?

LS Hà Huy Sơn
Là Luật sư tham gia bào chữa cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong vụ án “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tôi đã không khỏi phải suy nghĩ về bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam hiện nay không chỉ dưới góc nhìn của pháp luật mà cả góc nhìn của văn hóa.
Nói không thật,
Không ai có thể chối bỏ được rằng: con người, xã hội là sản phẩm của văn hóa. Vậy xã hội chúng ta đang sống là sản phẩm của văn hóa nào? Phải chăng là cái văn hóa “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa long nhau”. Luật pháp là một sản phẩm của văn hóa cao. Vì lịch sử loài người chỉ khi phát triển đến một trình độ nhất định mới làm ra được luật pháp và chỉ có một xã hội có luật pháp tiến bộ mới được coi là xã hội có văn hóa tiến bộ. Do vậy, muốn hiện đại hóa đất nước thì cần phải hiện đại hóa văn hóa và tất nhiên phải hiện đại hóa luật pháp. Không thể xây dựng con người, xây dựng đất nước bằng cách cứ “uốn lưỡi” muốn nói gì thì nói cốt để vừa lòng “người trên”, để lừa “kẻ dưới” như lâu nay. Thực tế buộc chúng ta trước hết phải nói thật cái suy nghĩ của mình, nếu điều nói ra mà không đúng với quy luật khách quan thì chúng ta phải sửa lại cái suy nghĩ đó hay nói cách khác là phải thay đổi tư duy của mình. Và ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp, học hỏi, đối thoại của con người với con người chứ tuyệt nhiên không phải là công cụ để nói dối, để lừa mị.
Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay đã nói thật chưa? Nếu căn cứ vào nội dung một số điều cơ bản của nó mà tôi một lần nữa dẫn ra sau đây (vì điều này nhiều người, nhiều lần đã dẫn ra) thì bản Hiến pháp này đã nói không thật.

Nhân dân tặng hoa trước nhà hai thi hào...


Chùm thơ mừng hai thi hào Xuân Diệu và Huy Cận được nhân dân tặng hoa

Trần Mạnh Hảo


           Nhân dân tặng hoa trước tượng hai thi hào Xuân Diệu - Huy Cận                         



VÂY GIỮA RỪNG HOA
“Mặt trời sinh đóa hoa hồng
Mẹ hiền sinh những anh hùng thi nhân”
(M.Goocky)

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Huy Cận - Lửa vẫn còn thiêng


Huy Cận – Lửa vẫn còn thiêng

Trần Mạnh Hảo
Cù Huy Cận lửa thiêng đâu
Huy hoàng xưa mộng lá sầu tử tôn
Hà hơi thế sự vô hồn
Vũ đài ngất ngất biển cồn tang thương
T.M.H.
         
         
Từ độ Nguyễn Du lục bát hóa đời Kiều để ngự trên ngôi báu thi ca, chừng như long mạch thơ nước Việt đã mấy lần rót về Hà Tĩnh, khơi nguồn cho những dòng thơ lớn khác xuất hiện : Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu và Huy Cận. Sau tám năm từ độ ra đời, Thơ Mới (1932-1945) đang cuồn cuộn chảy như một dòng sông lắm ghềnh nhiều thác, lúc ẩn, lúc hiện, chợt bùng lên rồi lắng lại sững sờ,  như  ngẩn ngơ, như luyến tiếc cội nguồn? Kể cũng lạ, khi dòng Thơ Mới cuộn chảy, gầm reo tới cao trào với Xuân Diệu thì cũng là lúc nó chợt phình ra giống một cái hồ cho mưa nguồn chớp bể trong hồn sông nước được nghỉ ngơi, trầm lắng, ưu tư mà hoài cổ. Khúc sông giống hồ nước của dòng Thơ Mới ấy chính là Huy Cận với tập "Lửa Thiêng " gồm 50 bài thơ ra mắt năm 1940. 
Nếu không có khúc sông hóa hồ nước Huy Cận giúp Thơ Mới có cơ hội lắng xuống, thảnh thơi và điềm tĩnh, chùng chình và mênh mông lại, biết đâu nó đã chẳng chảy tuột vào bề thẳm Tây phương ? Chừng như hình thức complet, cravate của Phương Tây Huy Cận khoác lên người không mang nổi hồn vía Đông phương u uẩn, thẳm vời trong ông? Sau khi nhà thơ từng thổn thức nỗi Verlaine, cái hồn ấy phiêu du ông về vạn cổ, kéo ông lạc vào Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... ngay giữa lòng thế kỷ XX ồn ào phố xá...Thành ra, trong dòng thơ mới sục sôi với tầng tầng lớp lớp thi nhân, Huy Cận tuy không khăn đống áo the như Đông Hồ, không nâu sồng dân dã như Nguyễn Bính, nhưng hồn ông đã  ràng buộc với thất ngôn và lục bát xưa.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Ai đánh mất niềm tin của nhân dân?

Ai đã đánh mất niềm tin của nhân dân?

Nguyễn Hoan

Điện thoại đổ chuông không ai trực máy, chỉ có những lời ghi âm “Giờ làm việc đại sứ quán từ 9 đến 12 giờ sáng, 2 đến 5 giờ chiều”. Không một đường dây nóng nào được thiết lập. Không ai quan tâm tới những người Việt Nam đang ở Nhật. Có lẽ chính vì thế mới có tuyên bố hùng hồn: “Không nên quá lo lắng về tình hình người Việt”. Có quan tâm đâu mà lo lắng! Trong khi những nước khác đều thiết lập đường dây nóng trợ giúp công dân họ thì mình lại bảo không sao. Có phải vì động đất, sóng thần sẽ không tác động được đến người Việt trên đất Nhật? Tinh thần “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng” ở đâu? Ôi, những “đầy tớ của nhân dân”!

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Dư luận chung quanh tiểu thuyết "Hội thề"


Không đọc kỹ "Hội thề"xin đừng "Chiêu tuyết"
Trần Mạnh Hảo

     

Lời dẫn : Không biết có phải Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN) đang thực thi chương trình : CHỬI CHA ÔNG CÓ THƯỞNG” và “ CA NGỢI GIẶC CÓ THƯỞNG” hay không mà trao cho hai truyện “Dị hương” của Sương Nguyệt Minh chửi vua Gia Long là hôn quân bạo chúa và cuốn “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân chửi nghĩa quân Lê Lợi là thổ phỉ, vô học, dã man, tiểu nhân, gặp dân ta là cướp, là hãm hiếp… (trong khi) lại khen các tướng giặc Minh là trí thức, nhân đạo, hiền nhân quân tử, lịch lãm, văn minh, hào hoa phong nhã. Chúng tôi đã viết nhiều bài phê bình hai truyện trên gửi in trên các báo mạng tư nhân trong nước ( và một số báo mạng hải ngoại). Nay có ông PGS.TS. Nguyễn Văn Dân là chủ tịch hội đồng dịch thuật văn học của HNVVN lên đài truyền hình Việt Nam (VTV1) ca ngợi giải thưởng này của HNVVN. Ông Dân còn viết bài bênh vực cho cuốn “Hội thề” in trên báo Văn Nghệ và websiter của HNVVN. Chúng tôi đã viết bài phản biện bài của ông Nguyễn Văn Dân gửi in trên các web và blog tư nhân trong nước như : http://trannhuong.com,

Rùa Hồ Gươm

« Cụ rùa » Hồ Gươm : rùa vàng hay thủy quái ?

Trương Nhân Tuấn

Trước hết « cụ » có phải là « rùa » thật không đã ?
 
Tôi không phải là nhà « rùa học » nhưng tôi dám chắc rằng « con rùa già ghẻ lở » (mượn chữ của Trương Duy Nhất) mà nhiều người gọi là « cụ rùa », hiện sống trong Hồ Gươm, không phải là rùa. Tôi dám chắc vì tôi đã từng thấy vài lần con « thủy quái » có hình dáng tương tự như thế ở các nơi tại miền trung và miền nam VN. Một loại thú có dạng như rùa, mai mềm, cổ dài, đặc biệt có cái đầu khá giống đầu rắn, hay thụt ra thụt vào làm người ta liên tưởng đến thứ khác (của đàn ông), cũng gọi là « đầu rùa ». Các loại thủy quái này là loài ăn tạp, tức thứ gì cũng ăn, sống ở môi trường nước ngọt như sông, hồ… Rùa thiêng trong lịch sử của VN là loại rùa vàng, tức « kim quy ». Rùa và thanh kiếm Thuận Thiên của vua Lê Lợi hay thần Kim Quy với nỏ thần của vua An Dương Vương đều là « rùa vàng ». Theo các tranh ảnh minh họa (trên nhiều sách vở) hiện nay tại VN thì rùa vàng có mai cứng và trên mai có vân. Con thủy quái Hồ Gươm là loại « rùa » đen, mai mềm láng mướt không có vân, là loại sinh sống trong vùng ao tù nước đọng, là giống vật đê tiện (bên Tàu người ta hay chửi « rùa đen », tương tự như sỉ vả là đồ đê tiện), và đặc biệt nó rất hung dữ. Con thủy quái ở Hồ Gươm, theo các bài viết đã đăng gần đây, thì nó ăn cả cá chết, thậm chí… chó chết.

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Tâm tình với nhà văn Trần Mạnh Hảo

Tâm tình với nhà văn Trần Mạnh Hảo
                                                                             Hà Sĩ Phu
   Ông Trần Mạnh Hảo thân
Mặc cho thiên hạ đang mổ bò nhân sự. Còn chưa đi họp, ông “quá bộ” vào xó Đà Lạt này tâm tình với tôi một lúc.
  Mấy hôm trước, tôi đã định viết một bài nhan đề “ Một dân tộc bắt đầu tập nói”. mô tả một dân tộc lâu ngày nói dối đã quen, sắp bị diệt vong vì tật nói dối, bỗng hoảng hồn bừng tỉnh bên bờ vực thẳm, vội bảo nhau học lại ngôn ngữ nói thật của cha ông để tự cứu , nhưng vất vả mãi cũng chỉ mới bập bẹ phát ra được mấy câu nói thật vỡ lòng thôi.
   Dự định ấy của tôi bị cắt ngang vì  bài tham luận vừa rồi của ông . Vì nói thật như ông cỡ này thì coi như “tốt nghiệp phổ thông” rồi, ý nghĩ bi quan kia của tôi e có phần lạc hậu trước tiến triển của thực tế (chắc ông không tự ái, vì Đại học nói thật của nước mình bây giờ chắc gì đã bằng Trung cấp nói thật của người ta !).
  Cái đoạn ông vạch trần một cách toàn diện sự thật rằng “Chưa bao giờ số phận dân tộc ta, đất nước ta có nguy cơ tiêu vong như hôm nay” (để đừng có suốt ngày vui cười hơn hớn) thì nhiều người cũng đã làm được, và dù có nhắc đi nhắc lại mãi cũng chưa chắc đã vào được tai những anh ù lì.
   Ông đã nói được nhiều, nhất là vạch ra cái đại bản doanh của những kẻ đã gây “nguy cơ tiêu vong dân tộc” ấy nằm ở đâu, nó lớn cỡ nào , khiến ta phải làm một cuộc cách mạng của sự thật mới mong giải thoát cho nhân dân khỏi ngục tù” , đây cũng  là một nét mới so với mấy vị trước kia.

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

"Hội thề" có phải là tiểu thuyết lịch sử sáng giá?

“Hội thề” có phải là tiểu thuyết lịch sử “sáng giá”?

                                                                                          Đặng Văn Sinh


Từ khi đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ III (2006-2009) chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân đã được báo chí ca ngợi như là một tiểu thuyết lịch sử sáng giá. Nếu đúng như vậy thì thật đáng mừng cho nền tiểu thuyết Việt Nam, chí ít đã có một tác phẩm “ngang tầm thời đại”, tạo không khí văn chương sôi động cho giới cầm bút vốn không ít tham vọng, muốn làm một cái gì đó chấn hưng sự nghiệp văn chương vốn đang lắm nỗi đoạn trường.
Thế nhưng, đùng một cái, nhà văn Trần Mạnh Hảo tung ra đến ba bài phê phán gay gắt chẳng những tác giả mà còn chỉ trích cả ban giám khảo cố tình trao giải thưởng cao quý cho một tác phẩm…phản lịch sử!
Đọc xong các bài viết của anh Hảo, tôi đâm hoảng. Chẳng lẽ một cây bút có bề dày kinh nghiệm như Nguyễn Quang Thân mà lại sơ xuất như vậy? Nhưng đáng tiếc là không có có sách trong tay, mà lại đang ở nơi “khỉ ho cò gáy”, đành chịu phép. Rất may, sau đấy mấy hôm, tôi được nhà văn Hoàng Quốc Hải gửi cho bản photo copy “Hội thề”. Thật là như đại hạn vớ được mưa rào, tôi lao vào…đọc, và, càng đọc càng …thất vọng!
Nhìn chung, 332 trang của “Hội thề” đều lấy cảm hứng từ “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Những chi tiết khác ít nhiều mô phỏng “Đại Việt sử ký toàn thư”, dã sử hoặc truyền thuyết. Dấu ấn của sự sáng tạo không đáng là bao nên tác phẩm ít gây được ấn tượng đối với người đọc ngoài những đoạn lên gân, tục tĩu, triết lý ngô nghê gây phản cảm. “Bình Ngô đại cáo” là một áng “thiên cố hùng văn”, là bản tóm tắt cô đọng, súc tích cuộc kháng chiến gian khổ mười năm của nhân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Lê Lợi, đã bị Nguyễn Quang Thân làm cho trở thành méo mó. Nguyễn Quang Thân viết tiểu thuyết lịch sử ở thời điểm đầu thế kỷ XV nhưng chỉ cần đọc chương “Xương Giang” là có thể thấy được ông lấy cảm hứng từ hai cuộc chiến ở Việt Nam 1946-1954 và 1964-1975 với khá nhiều đoạn mạch sử dụng từ, ngữ, thuật ngữ chiến tranh hiện đại.
Viết tiểu thuyết lịch sử nghiêm túc rất khó. Tuy nhiên không phải không làm được, cho dù thành công ở các mức độ khác nhau. Đó là :”Lều chõng” của Ngô Tất Tố, “Bóng nước Hồ Gươm” của Chu Thiên, “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác, “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh, “Bão táp triều Trần” và “Tám triều vua Lý” của Hoàng Quốc Hải… Trước khi đặt bút viết, các tác giả đã dành nhiều thời gian và công sức sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý tư liệu, rồi lại còn trăn trở, suy ngẫm để có được cách hành văn cho phù hợp với không khí thời đại, phải cẩn trọng tìm hiểu kỹ các nhân vật lịch sử cùng với việc khảo cứu điển cố, mới mong có được chỗ đứng trong lòng độc giả. “Hội thề” hầu như bỏ qua giai đoạn này, tác giả chỉ sử dụng những tài liệu có sẵn, nếu quả thật có sự “sáng tạo” cũng chỉ là đem những chi tiết, tình tiết, tình huống, phong tục tập quán của thời hiện đại đặt vào khung cảnh thế kỷ XV làm người đọc sửng sốt bởi độ liều hiếm thấy của một nhà văn có bề dày sáng tác và niên xỉ đáng kính.
Với tiểu thuyết lịch sử, vấn đề danh xưng cũng là điều phải cẩn trọng. Trong cơ quan đầu não của một cuộc khởi nghĩa có tầm cỡ ngang với một triều đình lâm thời không thể có cách xưng hô như đám lục lâm thảo khấu. Huống hồ, Lê Lợi là bậc hào trưởng từng học chữ thánh hiền (cách nói tôn trọng nền giáo dục Nho học), chí lớn bình thiên hạ, luôn khao khát người hiền tài giúp rập trong màn trướng, không thể gọi tên húy cộc lốc với thái độ miệt thị những trí thức từng đỗ đại khoa hay dòng dõi công hầu khanh tướng là “Trãi”, “Hãn”. Tệ hơn nữa, Nguyễn Quang Thân còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần danh xưng “Thị Lộ” để chỉ người thiếp của Nguyễn Trãi trong khi bà có họ Nguyễn hẳn hoi chứ không phải thuộc hạng mèo mả gà đồng. Nguyễn Thị Lộ quê Thái Bình, là một phụ nữ tài hoa, sau này được nhà vua sắc phong “Lễ nghi học sĩ” chuyên trách dạy các cung nữ học chữ và lễ tiết. Không biết từ bao giờ, trong xã hội phong kiến, người ta thường gọi loại đàn bà bất hảo là “thị” kèm theo tên húy. Điều này chắc là có nguồn gốc từ các sử quan phong kiến như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và nhất là Ngô Sỹ Liên. Đến nay, cho dù là thời đại mới, “dân chủ gấp triệu lần tư sản” và đặc biệt là rất coi trọng vai trò phụ nữ, vậy mà ở các cơ quan tư pháp, người ta vẫn dùng y nguyên cách gọi ấy với nữ bị can (chưa nói đến bị cáo hoặc phạm nhân). Trong khi ấy, Nguyễn Thị Lộ là một tài nữ, từng sát cánh với chồng, phù tá Lê Lợi làm nên chiến thắng oai hùng chống ngoại xâm, vậy mà tác giả “Hội thề” dám hạ bút không chỉ một lần “Thị Lộ”.( Nếu ai đó vẫn còn băn khoăn, xin hãy vào Google đánh từ khóa Nguyễn Thị Lộ, các bạn sẽ có được thông tin khá đầy đủ của bà). Cũng xin nói thêm, Nguyễn Thị Lộ chưa bao giờ được phong “Đại học sĩ”, một quan hàm chỉ dành cho những bậc đại khoa, bổ nhiệm vào Viện Hàn lâm hoặc được Tham dự triều chính.
Nguyễn Trãi là văn thần, đậu Thái học sinh ( tiến sĩ), từng giữ chức Ngự sử đài chính trưởng triều Hồ Hán Thương, đến khi cùng Trần Nguyên Hãn vào Lam Sơn đã bàn mưu tính kế giúp nghĩa quân Lam Sơn giành nhiều thắng lợi. Cũng chính ông là người thay Lê Lợi viết hàng loạt thư dụ hàng vừa đanh thép vừa thấu tình đạt lý góp phần quan trọng vào kế hoạch “mưu phạt tâm công”. Nguyễn Trãi là một nhân cách lớn, vừa có tài kinh bang tế thế vừa là nhà thơ lỗi lạc của thế kỷ XV, được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới nhân dịp kỷ niệm sáu trăn năm ngày sinh của ông, không thể giống như Nguyễn Quang Thân miêu tả. Nguyễn Trãi trong “Hội thề” là một anh học trò Bắc Hà (cách gọi rất sai lầm của Nguyễn Quang Thân. Danh từ này chỉ xuất hiện thời Trịnh Nguyễn phân tranh thế kỷ XVI, và địa giới Bắc Hà bắt đầu từ bờ bắc sông Gianh, như vậy, Lam Sơn Thanh Hóa vẫn thuộc Bắc Hà), nhếch nhác, bần tiện, thậm chí phải khúm núm trước đám đầu lĩnh Lam Sơn vô học, võ biền, ăn nói tục tằn, tham lam và hám gái, hoặc chắp tay cung kính trước viên hàng tướng Thái Phúc chỉ vì cái ơn ông ta đã đối xử tử tế với người cha bị bắt qua ải Bắc. Một Nguyễn Trãi với thân phận kém cỏi như thế hẳn là không thể xứng đáng vị trí “quân sư” của thủ lĩnh Lam Sơn. Trang 322, Nguyễn Quang Thân múa bút tả cảnh Nguyễn Trãi từ biệt viên hàng tướng Thái Phúc: “Xin đại huynh nhận cho Trãi này ba vái. Một vái để tạ lòng nhân của đại huynh với thân phụ tôi và em trai tôi trong những ngày đi đày trên ải Bắc. Còn vái này là cảm tạ công lớn của đại huynh với nghĩa quân và sinh lịnh hai nước, vái này nữa để ghi nhận tình tri kỷ của đại nhân với đứa em côi cút là Trãi này…”. Còn đây là “tâm sự” của ông bại tướng Tàu: “… Xin huynh hãy thận trọng với lòng căm thù của kẻ vô học với người có học, của kẻ bất tài tham lam với thiên tài trong sáng. Tiểu nhân luôn thắng người quân tử. Bảo trọng!”.

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Bài ca xuân 2011

Bài ca Xuân 2011

(Nhại thơ Tố Hữu)

Bút Tre mới

Tôi viết bài thơ xuân
Hai ngàn không trăm mười một…
Cành táo đầu hè không ra quả được
Nước khu công nghiệp hôi tanh!
Rét dài rồi lại nắng hanh,
Tưới nhiều, cây mới khô cành đó chăng?
Giã từ năm cũ bâng khuâng
Bước sang năm mới giá tăng lạ thường!

Kìa xuân mới, có gì kinh hãi?
Hỡi em yêu, mà mặt em méo vậy?
Như là loạn lạc ngày xưa?
Anh nắm tay em, luống cuống, vụng về
Mà nói thật: “Tiền lương anh đó,
Thôi hãy cố, chia ba phần nho nhỏ:
Anh dành cho trả nợ phần nhiều,
Phần nuôi con và phần để em tiêu!”
Em tủi hổ: “Biết làm sao cho đủ!”
Hai đứa ôm nhau, hai người khốn khổ
Em thổn thức hoài cho đến sáng mai nay
Anh lau đôi mắt huyền, ướt sũng chiếc khăn tay!...

Chà “mười một”! Giá cao muôn trượng!
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau,
Trông bắc, trông nam, trông cả địa cầu!
Trải qua mấy cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy càng đau nhân tình,
Tố Như ơi, có biết chăng
Còn đâu nước mắt, khóc than bao Kiều!
Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng…
Ôi tiếng của cha ông thuở trước
Như thét gào… vận nước hôm nay:
Mấy vùng trời biển trắng tay,
Thác kia Bản Giốc, đảo này Hoàng Sa!...
Anh hùng dân tộc chúng ta
Vì đâu nên nỗi, hóa ra thế này!

Có gì nhục trên đời hơn thế
Người với người sống để hại nhau
Quan thì cướp bóc làm giàu
Dân còng lưng xuống, cúi đầu mà đi!

Đời thế đó từ khi mở cửa
Mọi thứ thành hàng hóa bán, mua:
Chức quan, bằng cấp, cave,
Ruộng vườn, sông núi, ao hồ, biển khơi…

Khắp đất nước… tiền đang vẫy gọi
Bao rừng thiêng chặt phá tan hoang,
Bạt núi, ngăn sông, tìm quặng, đãi vàng,
Bô-xít Tây Nguyên, Lào Cai, Hồng Quảng…
Sông Ba, sông Lô, sông Đà, sông Chảy…
Khắp nơi thủy điện…
Lũ quét kinh hoàng!
Hỡi những chàng trai, những cô gái ơi
Hai bàn tay ta đang xây hay phá,
Có nghĩ gì cho thế hệ tương lai?
Chộp giựt, ăn liền… đâu nghĩ đến ngày mai!

Tôi viết cho ai bài thơ xuân “mười một”?
Đêm đã khuya rồi, rét về tê buốt,
Hà Nội rì rầm… còi thổi ngoài ga…
Mấy hôm nay như đứa nhớ nhà,
Ta vẩn vơ hoài, rạo rực vào ra,
Nghe tiếng thét, cả châu Phi đứng dậy
Lũ độc tài… phải cuốn gói ra đi…
Cách mạng Hoa Lài có đến được xứ ta?
Mang hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ
Những giá trị thiêng liêng của loài người ta đó:
Hòa Bình
Hạnh phúc
Ấm no
Cho
Con người
Dân chủ
Tự do!

03 -2011

B. T. M.

Nguồn: Trannhuong.com

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Ý kiến phản biện chung quanh Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010


“Thật nhảm hết sức !”

Trần Mạnh Hảo



Trong bài : “ Ý KIẾN CỦA DÂN MẠNG KHÔNG LÀ “ CÁI ĐINH “ ĐỐI VỚI VTV VÀ CÁC “ ÔNG NHỚN “ CÓ NHÃN MÁC CỦA HỘI NHÀ VĂN ?”  của PGS.TS. Phạm Quang Trung ( người hết lòng bênh vực “Dị Hương” và “ Hội thề”)  in trên website http://phamvietdaonv.blogspot.com ngày 04-03-2011 kể về màn trình diễn một chiều của VTV1 ( Đài truyền hình Việt Nam) ca ngợi hết lời giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2010 trong sáng nay, tức sáng 04-03-2011.
Trong bài viết, tác giả Phạm Quang Trung tỏ ra trách cứ anh Hoài Nam ( người dẫn chương trình mục “ Diễn Đàn văn học nghệ thuật” kiêm nhà phê bình), trách cứ ông Lê Thành Nghị, chủ tịch hội đồng lý luận phê bình Hội nhà văn Việt Nam, trách cứ ông PGS  Nguyễn Văn Dân – chủ tịch hội đồng dịch thuật Hội Nhà Văn, rằng các vị sao lại làm ngơ trước bao nhiêu tiếng nói phản biện bấy lâu nay trên các báo mạng ( Internet), cùng hè nhau độc tấu bản giao hưởng ngợi ca một chiều như thế mà nghe đặng ư ? Tranh luận thì phải có hai chiều khen và chê mới khách quan, mới thuyết phục chứ ?
Cuối cùng, tác giả Phạm Quang Trung phán một câu xanh rờn về màn trình diễn độc tôn, độc tấu, độc diễn ngợi ca kia như sau : “ Thật nhảm hết sức” :
“Tôi cũng không nghĩ họ không từng đọc hay nghe nói về những ý kiến khác nhau chung quanh giải thưởng quan trọng của Hội Nhà văn trên mạng. Vậy thì chỉ có thể bảo là họ có biết, hơn thế, biết rất kỹ, rất rõ mà cố tính lờ đi do ngại đụng chạm chăng? Hay họ quan niệm công chúng rộng rãi chỉ nên biết đến mức như họ nói, thế là đủ? Hoặc họ cho là chỉ nên xem là công luận văn chương trên các mặt báo viết chính thống của Nhà nước? Nghĩ vậy, theo tôi, là lỗi thời, thậm chí là không đúng! Nói chung, bởi bất cứ lý do nào cũng đều rất khó biện minh cho được. Vậy nên, tôi rất lấy làm thất vọng trước lời kết chung chung như thường thấy của biên tập viên chương trình, rằng hy vọng các nhà văn có nhiều sáng tạo vươn ngang tầm thời đại, và rằng, trên cơ sở đó, hy vọng Hội Nhà văn ngày càng chọn được những tác phẩm thật xứng đáng, về mọi thể loại, góp phần định hướng thẩm mỹ, thúc đẩy nền văn chương nghệ thuật của dân tộc đi về phía trước. Rằng… vân vân và vân vân. Nghĩa là rất chi… vô vị và vô bổ.
Thật nhảm hết sức!” ( hết trích)
http://phamvietdaonv.blogspot.com/2011/03/y-kien-cua-dan-mang-khong-la-cai-inh-oi.html#more

Xin phép nhà phê bình Phạm Quang Trung cho chúng tôi được mượn câu nói ( sẽ nổi tiếng mãi) của ông : “ Thật nhảm hết sức” làm tiêu đề bài báo mọn này.
Xin thưa với ông Phạm Quang Trung, chuyện “ Nhảm hết sức !” ấy không chỉ xảy ra trên truyền hình trong mục độc tấu ca ngợi giải thưởng của Hội nhà văn VN trong mục “ Diễn đàn VHNT” sáng nay như ông vừa kể đâu, mà nó còn nằm trong hầu hết các bài ca ngợi “Dị hương” và “Hội thề” in trên báo chí chính thống và trong các mục tin sách của truyền hình nữa. Chúng tôi xin chứng minh.
Đó là bài viết có tính bản lề, tính định hướng cho các bài ca ngợi “Hội thề” của ông nhà thơ kiêm chủ tịch hội đồng lý luận phê bình văn học Hội Nhà văn VN, đại tá Lê Thành Nghị in trên website của Hội Nhà Văn VN : http://hoinhavanvietnam.vn ngày 20-01-2011 có tên : “ Hội thề - Lịch sử và tiểu thuyết”.
Ngay cả ông Phạm Quang Trung khi tranh biện bảo vệ cái hay tuyệt vời của giải thưởng Hội nhà văn VN ( HNVVN) cũng từng trích bài này của ông chủ tịch Lê Thành Nghị làm căn cứ, làm nền tảng triển khai cuộc bút chiến đó thôi. Ông Đỗ Ngọc Thạch, trong bài : “Bàn thêm về tiểu thuyết “Hội thề” cũng in trên Website của HNVVN ngày 01-03-2011, có đoạn ca ngợi bài phê bình định hướng của ông Lê Thành Nghị hết lời như sau :
“Nếu nhìn vào số lượng các bài viết ca ngợi Hội thề và Dị hương trên các loại hình báo chí và lời khẳng định như đinh đóng cột của ông chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Hội Nhà văn VN Lê Thành Nghị như vừa dẫn trên thì những lời “phản biện”, phê phán Hội thề và Dị hương chỉ như “châu chấu đá xe” mà thôi.
http://hoinhavanvietnam.vn/Details/ly-luan-phe-binh/ban-them-ve-tieu-thuyet-hoi-the/32/0/3231.star
Xin được nói nhỏ với ông Đỗ Ngọc Thạch : chuyện phê bình văn chương là chuyện tao nhã của giới học thuật, sao ông lại đưa khái niệm đánh lộn, chiến tranh vào đây đây để ví von quá sức khiên cưỡng, bất nhã thành chuyện “châu chấu đá xe” ? Chẳng lẽ ông cho những bài phản biện đầy thiện chí, đầy khách quan phê phán “Dị hương” & “Hội thề” của những nhà văn : Trần Hoài Dương, Hoàng Tiến, Vũ Ngọc Tiến, Đặng Văn Sinh, Hà Văn Thùy, Phạm Viết Đào, Trần Mạnh Hảo…chỉ là loài châu chấu hèn mọn ? Còn bài viết ca ngợi “Hội thề” của chủ soái “lý luận phê bình” Lê Thành Nghị thì hoành tráng và vững chãi như xe ? Mà xe nào vậy : xe ngựa, xe bò, xe kéo, xe lôi, xe ba gác, xe xích lô, xe lăn tay hay xe tăng kiểu “ Năm anh em trên một chiếc xe tăng” như trong bài hát của Doãn Nho – Hữu Thỉnh đây ? Ông Thạch chắc còn nhớ câu ca dao : “ Lạ đời châu chấu đá xe / Tưởng rằng chấu ngã, ai ngờ xe nghiêng” ?
Chưa hết, ông Đỗ Ngọc Thạch còn nông nổi ca ngợi Ban giám khảo chấm giải cao nhất cho hai cuốn truyện kia là những nhà văn : “ Bộ phận tinh anh và tài năng nhất của Hội” như sau :
“Các tác giả Hội thề và Dị hương đã hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo của Hội Nhà văn - bộ phận tinh anh và tài năng nhất của Hội Nhà văn Việt Nam”
http://hoinhavanvietnam.vn/Details/ly-luan-phe-binh/ban-them-ve-tieu-thuyet-hoi-the/32/0/3231.star

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Bầu trời không mái che...

Đặng Văn Sinh


Mai Văn Phấn tìm về ngọn nguồn thi ca

                                                                             
“Bầu trời không mái che”* là tập thơ mới nhất của Mai Văn Phấn được xuất bản cuối năm 2010. Cũng như “Vách nước”, “Hôm sau”, “Và đột nhiên gió thổi”…, tác giả luôn làm cho bạn đọc bất ngờ bởi cách đặt tên rất khác người cho những thi phẩm của mình.
Xét về thi pháp, cả ba chủ đề “Cửa mẫu”, “Mùa trăng” và “Hình đám cỏ” gần như cùng một phong cách nhưng phương pháp diễn đạt cũng như đối tượng được đề cập đến xem ra không hoàn toàn giống nhau. Nói khác đi, “Bầu trời không mái che” mang nội hàm tổng quát chi phối ba chủ đề kia.
Phải nói thẳng,“Bầu trời không mái che” là tập thơ khó đọc nhất trong những tập khó đọc của Mai Văn Phấn. Hơn thế, ở thi phẩm mới này, dường như anh đã thoát ly hoàn toàn với những vấn đề “nhạy cảm” xã hội, bỏ ngoài tai mọi cám dỗ chính trị, loại khỏi bộ nhớ đủ thứ màu sắc chủ nghĩa cùng những hệ lụy của nó để tìm đến ngọn nguồn của cảm hứng sáng tạo, cho dù đó là cảm hứng cô đơn trên miền đất hoang vu như cánh rừng tiền sử vừa trải qua cơn đại hồng thủy.
Cảm hứng chủ đạo của “Bầu trời không mái che” là vũ trụ, nhân sinh và những dạng thức khác nhau của tình yêu được phát triển trên cái nền cổ điển thông qua ngôn ngữ siêu thực. Ngôn ngữ siêu thực là một đặc trưng của bút pháp Mai Văn Phấn. Nó biểu hiện ở dạng thức thơ không vần, không nhịp điệu, không đăng đối và thường đảo ngược cấu trúc ngữ pháp. Đúng như phát hiện của nhà thơ Lê Đạt, “chữ bầu nên thơ”, hiệu ứng của những dòng thơ cấu trúc ngôn ngữ bị thay đổi hay chuyển dịch vị trí cú pháp dẫn đến thay đổi cả về nội dung ngữ nghĩa lẫn giá trị biểu cảm. Tuy nhiên chất siêu thực của “Bầu trời không mái che” không phủ nhận mà là tiệm cận thế giới khách quan, vì thế, nó luôn song hành với hiện thực cuộc sống nhưng thường đưa ra những cách giải thích của riêng mình.
“Bầu trời không mái che” lấy con số 9 làm tiêu chí dẫn dắt mạch tư duy hình tượng. Số 9 trong tín ngưỡng dân gian được xem như con số thiêng, thường ẩn giấu những bí mật vũ trụ. Chính vì thế, nó luôn hấp dẫn các nhà chiêm tinh, tướng số, thậm chí cả các nhà khoa học đương đại nghiên cứu về khoa ngoại cảm. Từ ý tưởng này, Mai Văn Phấn khai triển các bài thơ của mình dưới hình thức 9 khúc, 9 đoạn hay 9 nhịp tạo thành sự tương hợp với cấu trúc tự nhiên của vũ trụ theo thuyết Âm Dương và Ngũ Hành. Có thể nói, tập thơ dường như đã thoát khỏi ràng buộc có tính quy phạm của những định chế xã hội. Những đối tượng mà chủ thể “trần thuật” hoặc hồi ức trong đời sống tự nhiên đều vận hành theo tinh thần tự do, an nhiên trong một thế giới không có bạo lực, không chiến tranh, không chủ trương các triết thuyết dựa trên tinh thần độc tài. Chẳng những thế, nó còn thoát ly ngay cả thứ đạo đức giả được núp dưới đủ thứ danh xưng mỹ miều mà xác lập cho mình một thang giá trị mới.

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Âm bản chiến tranh

  Âm bản chiến tranh

 Vũ Ngọc Tiến

Rừng chiều lạt nắng, hầm hập oi nồng. Cơn mưa rào chợt đến, làm dịu bớt cái nóng khủng khiếp của miền tây đất Quảng. Cái thứ nắng nóng như rang khô đám lính của tiểu đòan suốt nhiều ngày đêm lầm lũi đưa pháo lên tận ngọn núi Chảo Lớn triển khai trận địa, chờ lệnh phát hỏa, tiêu diệt cứ điểm Cà Tang, mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng huyện lỵ Quế Sơn. Đói, khát và sức nặng của những khẩu pháo 105 ly tháo rời đã vắt kiệt sức lực từng người. Trong mưa, từ quan đến lính, tất thảy trần truồng như nhộng, thỏa thê tắm mát và uống thứ nước ngọt trời cho để quên đi những cái bụng lép kẹp đang thèm cơm, thèm sắn. Người ta khi đã cởi truồng ra rồi thì ai cũng hiền khô, hồn nhiên đến kỳ lạ. Vậy nên khi D trưởng An chạy đến bên Luận, dáng người lòng khòng, của nợ kia thì lõng thõng bên đùi, khác hẳn với D trưởng An oai nghiêm, thét ra lửa thường ngày, anh không sao nhịn được, cười đến gập người, thắt ruột. Ông vẫn thản nhiên ra lệnh, còn Luận thì cứ ngỡ ông đùa:
-          Tiểu đội trinh sát của cậu mau tập hợp, có nhiệm vụ gấp.
-          Lệnh gì lúc này hở thủ trưởng?
-          Đài quan sát vừa báo có một tốp dân địa phương đi làm rẫy, đang trú mưa ở gốc cây, gần trận địa pháo của ta.
-          Thế thì sao ạ!- Luận ngúng nguẩy đùa dai, còn thủ trưởng thì quắc mắt.
-          Lại còn sao với giăng gì nữa. Lộ mẹ nó hết cả bây giờ chứ bỡn à. Họ có 10 người: 5 ông già, 2 thiếu nữ và 3 thanh niên. Các cậu khẩn trương bao vây, tiếp cận, một kèm một, khống chế và trói họ lại, canh giữ cho hết đêm nay, đợi ta nổ súng đánh xong cứ điểm Cà Tang thì thả cho họ về. Nhớ ôn tồn giải thích thật khéo, mình là quân giải phóng, không được làm gì vi phạm chính sách dân vận…
-          Rõ!...
          Luận chợt hiểu ra tính chất nghiêm trọng của sự việc. Anh nhao đi tập hợp đám lính trinh sát đang tỏa ra đùa nghịch như quỷ sứ, tán dóc với lính pháo thủ ở từng khẩu đội. Có 2 chiến sĩ bị cảm nhẹ, còn lại vừa khéo 10 người đi làm nhiệm vụ. Ai nấy chỉ mặc độc chiến quần xà lỏn, mang theo dây thừng, dao găm và súng ngắn, nom hung dữ chẳng khác gì thám báo ngụy. Tất cả khép thành vòng cung, tiến dần về phía mục tiêu. Cách chừng vài trăm mét, Luận đưa ống nhòm quan sát, quả có đúng 10 người như lời D trưởng. Họ đều ăn mặc theo lối dân tộc Cơ rông, một tộc người rất thiểu số ở miền tây Quảng Nam. Chẳng hiểu vì sao, đôi tay anh cứ run run rê ống kính nhìn ngắm kỹ 2 cô gái. Một cô cao to, vai bè, tướng đàn ông. Cô kia, anh nuốt nước bọt đánh ực, mắt đờ ra ngây ngất vì vẻ đẹp hoang dại. Dáng người thon, đôi vai để trần, ngực tròn căng, mắt nai ngơ ngác… Chợt cô gái phát hiện ra anh đang cầm ống nhòm, vội thét to:
-          Thám báo  Mẽo đấy, chạy mau!
Cả tốp người nháo nhác tản ra tứ phía, chạy thục mạng. Luận ra lệnh:
-   Đuổi theo. Mỗi người nhằm một đối tượng, đừng chồng chéo nhau, làm thật gọn như kế hoạch đã bàn ở nhà.
 Dứt lời, Luận chồm lên lao theo hướng cô gái. Số phận xui khiến 2 cô gái tách riêng, chạy về phia bờ suối. Anh cũng kịp nhận ra người chạy cùng hướng với mình là A phó Phát. Bất giác Luận mỉm cười hiểu ra lý do, chỉ A trưởng và A phó mới có ống nhòm, thản nào... Anh cố hết sức chạy vượt lên để giành phần chộp lấy cô gái mắt nai. Cuộc dượt đuổi trong cơn mưa rừng quyết liệt và hung bạo như con sói đói hồng hộc chồm theo chú thỏ non ướt nhóet. Nhưng khi vồ được nàng rồi thì Luận xuống sức thở gấp. Có lẽ cả tháng trời anh đói triền miên, mỗi bữa chỉ có muôi cháo loãng và hai mẩu sắn bé như ngón chân cái làm sao vật nổi cô gái sơn cước săn chắc, lại được ăn no, ngủ kỹ. Sự thèm muốn đụng chạm với da thịt đàn bà làm anh lú lẫn, quên bẵng mình còn có dao găm, súng ngắn khống chế con mồi. Lăn lộn, cào xé nhau hồi lâu thì cô gái đọat được dao găm, ngồi chồm hỗm lên bụng anh, quắc mắt, dí lưỡi thép vào cổ họng. Thế là tong đời một cách nhục nhã! Anh nghĩ vậy và thở dài chờ chết, nước mắt ứa ra, gọi khẽ hai tiếng mẹ ơi!... Hình như cô gái nhận ra giọng Bắc, thóang ngạc nhiên,  nhưng vẫn gằn giọng hỏi:
-          “Giải phóng” à?
-          Ừ, giải phóng quân, quê miền Bắc.
-          Sao “giải phóng” lại đi cướp hiếp đàn bà?
-          Không phải đâu. Giải phóng quân đưa pháo lên núi, sắp bắn vào cứ điểm Cà Tang để giải phóng Quế Sơn.
-          Thế thì sao nữa?
-          Cán bộ thấy em và mấy người kia đi làm rẫy về, đứng trú mưa sát gần trận địa, sợ bị lộ bí mật quân sự nên lệnh cho bọn anh bao vây, tạm giữ đồng bào hết đêm nay, chờ đánh trận xong sẽ thả về nhà thôi.
-          Thật vậy không?
-          Thật mà, thám báo Mẽo hay quốc gia làm sao biết nói giọng Bắc, tin anh đi…
-          Hèn gì đàn ông mà ốm nhom, vật đàn bà cũng không nổi, sức đâu mà cướp hiếp. Rõ tội nghiệp!
-          Tại tụi anh đói quá, với lại đã quen ôm đàn bà vật lộn thế này bao giờ đâu.
-          Hí hí… hí…, quân mình đánh lẫn quân ta, em cũng là du kích chứ bộ…
 Cô gái quăng con dao găm, cười khúc khích. Tiếng cười làm nàng rung lên, mông của nàng vì thế cứ nhay đi nhay lại trên bụng chàng trai chưa từng biết đến mồ hôi đàn bà chua mặn thế nào trong đời. Thóat cơn hiểm nghèo, giờ Luận lại được đê mê vì sung sướng. Anh nhắm nghiền con mắt, tận hưởng một thứ khóai cảm kỳ diệu. Đôi bờ mông của nàng hình như cứ trôi dần, trôi dần xuống dưới. Luận mở to mắt, bàng hòang không tin được đó là sự thật. Lúc vật lộn, anh đâu ngờ miếng vải gai quấn trên ngực nàng đã bị bung ra, rơi mất, để lộ đôi bầu vú trắng nõn, cao vồng, núm vú đỏ hồng như một chấm son, phập phồng lên xuống theo nhịp thở. Chiếc váy người dân tộc thực ra cũng chỉ là tấm vải quấn quanh người che phần dưới, khép chờm hai mép vải ở đằng trước. Giờ nàng đang ngồi dạng chân trên bụng anh nên nó như được mở toang và người dân tộc đâu có biết dùng đồ lót. Luận nhìn thấy rõ cả một vùng cấm tam giác đang mời gọi. Bản năng giống đực làm cái của nợ trong quần xà lỏn tự do nổi lọan, bất chấp kỷ luật dân vận của D trưởng dặn dò lúc giao nhiệm vụ. Cái đầu Luận bảo đừng mà bên dưới thì … cương lên. Cô gái cũng cảm nhận được sự cương nở ấy, thóang đỏ mặt, nhưng… thích… Nàng cười rất hồn nhiên, chống hai tay lên cỏ, từ từ cúi xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối, buông thả cho mọi sự cuồng nhiệt, đê mê diễn ra sau đó. Suốt một đêm, giữa rừng xanh kỳ bí, họ thành Êva và Adam, quấn vào nhau lăn lộn nhiều lần, quên đói, quên mệt, quên cả tiếng pháo 105 ly rầm trời bắn vào cứ điểm Cà Tang, chỉ thấy tràn trề lạc thú nơi hoang dã…