Nhãn

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Gặp Mác một lúc thế cũng sướng!

Gặp Mác một lúc thế cũng sướng !
   (Ghi chép tặng Hội đồng lý luận Trung ương)
                                                                                    Vũ Quốc Uy

Nếu không xảy ra sự cố này, chắc hẳn tôi đã vội vàng coi chuyện “Ngoại cảm, nói chuyện với người âm” là nhảm nhí rồi. Chuyện không duy tâm tý nào, vì gắn liền với một chủ nghĩa rất duy vật là chủ nghĩa Mác-Lê .
Đầu đuôi là thế này:
Ai đã được tôi luyện trong lò Mác-xít thì không thể không tự hào rằng học thuyết Mác không chỉ “giải thích thế giới” mà còn “cải tạo thế giới”. Nhưng gay go chính ở hai chữ “cải tạo” chết người này. Cải tạo thế giới mà làm hỏng thế giới, làm khổ thế giới thì hẳn là phải chịu trách nhiệm trước thế giới! Chính vì lo như thế nên Mác, cùng với cả một “thế giới người hiền” nguyên khối, như các đồng chí Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Ceausescu, Honecker, Pol Pot… tuy đã lên tiên nhưng chẳng mấy đêm chợp mắt được vài tiếng đồng hồ. Cho nên, khi thấy có người ở hạ giới “gọi hồn” là các cụ tỉnh dậy ngay, ngồi tiếp chúng tôi ở “phòng Xôviết tiếp dân” hẳn hoi.
Lại nói về phần chúng tôi. Mấy năm nay trên talawas dày đặc những cây viết về chủ nghĩa Mác, cuối cùng chia thành hai phe, phe Ca ngợi và phe Phản biện. Bên Ca ngợi chê bên Phản biện là IQ thấp, là lười đọc sách, là “thảm hại”. Bên Phản biện số đông là những người vui tính, được thực tiễn hậu thuẫn nên hay nói chuyện khôi hài. Bên Phản biện chúng tôi bị thiệt thòi vì báo chí và nhà xuất bản trong nước vẫn hoàn toàn thuộc độc quyền của bên Ca ngợi. Tìm được một vài diễn đàn ở hải ngoại thì một số bài cứ tranh luận về những điều lý thuyết dông dài. Chúng tôi nghĩ bụng: nếu gặp thẳng được cụ Mác thì tốt biết bao, để Cụ bảo cho một câu xem thế nào, chứ các cấp dưới của cụ bây giờ đầu óc họ đặc sệt và “kiên trì” lắm.
Chúng tôi đánh liều, ngỏ ý này với các nhà ngoại cảm. Cô Ngoại cảm (xin giấu tên vì Cô bị nhiều người tìm đến nhờ vả quá rồi) ngần ngừ một lát rồi trầm ngâm: “Năm ngoái em đã gặp được Bác Hồ, may quá em vẫn lưu được tần số của Bác, để em nhờ Bác nối mạch sang Cụ (ý nói Cụ Mác) xem Cụ còn nằm trong Thiên hà này không?”
Trong chờ đợi và hy vọng, phe Phản biện chúng tôi họp nhau lại để chuẩn bị. Cô Ngoại cảm khuyên chúng tôi chỉ nên cử một người đại diện thôi, đông người quá thường bị nhiễu sóng. Hội nghị bàn rất kỹ những nội dung cần đưa ra hỏi ý kiến Mác, sao cho ngắn gọn mà thiết thực. Đến phần chọn người, tôi đinh ninh hội nghị sẽ chọn một vị lão thành đầy bản lĩnh và quen giao tiếp trong nội bộ Đệ Tam. Ai ngờ các cụ lại chỉ vào tôi: “Thôi nhất trí để thằng nhỏ Quốc Uy này lãnh sứ mạng vinh quang. Nó còn nhỏ nhưng lúc nào cũng nghĩ đến Mác, chắc Cụ mến nó hơn”. Tôi quyết từ chối nhưng cuối cùng phải nhận.
Trước buổi gọi hồn, Cô Ngoại cảm làm việc với tôi một buổi. Nội dung cần đàm thoại tôi chuẩn bị sẵn ra giấy, viết hẳn thành một bài lý luận, photo một bản đưa cho Cô nghiên cứu. Tôi hỏi đàm thoại bằng tiếng gì, tôi không biết tiếng Đức. Cô bảo không lo, Cô sẽ phiên dịch. Tôi hỏi Cô đi Đức về ư thì Cô mắng ngay: “Anh tưởng ngôn ngữ ngoại cảm cũng thô thiển như tôi nói với anh thế này à?”. Tôi biết mình ngu thật.

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Dân cửu vạn có sáu điều thỉnh nguyện

Thư giãn chủ nhật: Dân cửu vạn có sáu điều thỉnh nguyện với tân Tổng bí thư

Đâu chăng tá
Thưa bác tân Tổng bí thư
image Trước hết xin tự giới thiệu với bác, em khi nhỏ bố mẹ gọi là Thằng cu Tít, lớn lên được bạn bè phong một cái tên rất là oách, là “Đâu chăng tá”, đi bộ đội, được kết nạp vào Đảng ta, và bây giờ làm nghề cửu vạn kiếm sống suốt ngày chầu việc ở cái “chợ người” Giảng Võ, hết việc thì nghe bọn đồng liêu cửu vạn bàn chuyện nhân tình thế thái, chúng cũng ngứa mồm bàn cả việc thiên đình. Chúng em thì trình độ chính trị chỉ cao hơn bọn vịt giời tí ti, nhưng nghe được cái gì thì xin thưa với bác cái đó. Chúng nó cử em đại diện để viết những điều thỉnh nguyện này gửi bác, là tại vì, trong cái hội cửu vạn ở đây, em được bầu là có học nhất hội: Em đã học hết kỳ 1 của lớp 2. Còn chúng nó thì, đứa mù chữ, đứa mới học hết kỳ 2 của lớp 1.
Thay mặt anh em đồng liêu cửu vạn, chúng em xin gửi đến tân Tổng bí thư 6 điều thỉnh nguyện sau đây.

Văn nghệ sĩ một khi đã bắt gặp lý tưởng Đảng

Văn nghệ sĩ một khi đã bắt gặp lý tưởng Đảng

Đặng Văn Sinh

Khi đã bắt gặp lý tưởng cách mạng, thấm nhuần đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng,  chất lượng sáng tác của các văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp cách mạng và quần chúng công nông binh mỗi ngày một cao. Đây chính là lời dạy dỗ thuộc vào loại “khuôn vàng thước ngọc” đáng ghi hàng ngàn lần vào sử sách của các nhà lãnh đạo kiệt xuất như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng . Chính vì “ngộ” được ý nghĩa  những lời dạy sâu sắc đó mà hàng loạt các văn nghệ tên tuổi  đã quyết tâm vứt bỏ phương pháp sáng tác cũ mang nặng tư tưởng “tiểu tư sản hưởng lạc, thậm chí đồi trụy” của bọn “đế quốc sài lang”, tiếp cận phương pháp sáng tác mới, đó là phương pháp “Hiện thực XHCN” với tính đảng, tính dân tộc, tính giai cấp đặc trưng và hàng chục chức năng quan trọng (mà tác giả vốn đã từng vinh hạnh được giảng dạy những tác phẩm lý luận tràng giang đại hải quý báu đó cho các bạn trẻ học sinh THPT, nhưng đến giờ cũng chịu không thể nhớ được một chữ). Đi hàng đầu trong cuộc “lột xác” và “nhận đường” rất nhanh chóng và dễ dàng này là các ông  Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi …
Nhân dịp Đại hội Đảng CSVN lần thứ XI thành công tốt đẹp, bầu chọn được một Bộ Chính trị toàn những người tài giỏi, trình độ học vấn cao và tầm văn hóa không lùn do ông  TBT có  học vị tiến sĩ ngành Xây dựng Đảng đứng đầu, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số bài vè được xem là thấm nhuần tính Đảng sâu sắc, góp phần quan trọng vào công cuộc kiến tạo nên chế độ mới "dân chủ gấp triệu lần tư sản" của một số nhà văn nghệ nổi tiếng một thời, để mọi người cùng đọc và suy ngẫm...

Làng Còng

                      Xuân Diệu                                          
                       
           
Sớm nay xa cách làng Còng,
Bước đi một bước, trong lòng mến yêu.
Làng Còng vất vả deo neo,
Tô đong, thóc rẽ bao nhiêu căm thù.
Nông dân lao động bốn mùa,
Trồng bông, bón mía, lại vừa tỉa ngô.
Mùa thường ngập lụt chẳng no,
Chiêm thời thỉnh thoảng mất khô một kỳ.
Tháng ba hái củi nặng nề,
Tháng mười kéo mật đêm khuya thức ròng.
Quay xa biết mấy trăm vòng,
Còm lưng bà mẹ trên khung cửi dài.
Nắng hồng chưa kịp sớm mai,
Lưới, nơm, người đã ngâm ngoài ruộng chiêm.
Làm mà nhà rách vách lem,
Vì chưng địa chủ nằm êm mấy toà!
Làng Còng phát động trải qua,
Cây rung đất chuyển như là mùa xuân.
Mặt người lao động nông dân
Sáng tươi gạt hết mấy lần mây đen.
Lửa hờn nhen nhúm đêm đêm,
Thác căm hờn đã đè trên kẻ thù,
Tôi về hai tháng không lâu,
Cùng nhau bát mẻ, chung nhau chiếu sờn.
Hạt cơm ăn của bà con
Là tình, là nghĩa, là ơn thấm nhuần.
Tay anh tôi nắm, tôi cầm,
Khổ xưa gạn kể, đau ngầm phanh phơi.
Khóc chung nước mắt nghẹn lời,
Cười chung sung sướng với người nông dân.
Thuộc đường, thuộc ngõ quen chân,
Ớt cay, mắm mặn, là dân lang rồi,
Mẹ nhìn con bước xa xôi,
Con nhìn mẹ khuất trên đồi lá xanh.
Sớm nay xa cách lều tranh,
Tưởng như khúc ruột còn quanh làng Còng.

11-1953          
         

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Tuyên truyền phản tuyên truyền




Tuyên truyền phản tuyên truyền
Trương Duy Nhất


Báo chí vô tình tạo một hiệu ứng ngược, họ đang bêu lãnh tụ của mình mà lại cứ tưởng thế là ngợi ca.

Từ chuyện bắt Tổng Bí thư đi xe máy

“Tân Tổng Bí thư đi xe máy tới thăm thầy cũ” – Một tít bài khiến ai cũng cảm động. Một vị Tổng Bí Thư vừa nhậm chức ngày trước thì ngay ngày sau tự lái xe máy (giữa trời giá rét) về thăm thầy dạy cũ? Mới đọc tôi cũng nghĩ đây là chuyện thật. Có thể lắm chứ, vì tân Tổng Bí Thư là cựu sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chính vì thế ngay buổi sáng khi nghe tin ông thành Tổng Bí Thư, tôi đã vội mừng và viết ngay câu này: Hi vọng nhờ thế đảng sẽ nhân văn hơn!

Nhưng chỉ cần đọc xong vài câu đầu đã thấy ngay sự dối láo. Chuyện ông Nguyễn Phú Trọng đi xe máy từ 10 năm trước, khi đó ông còn là Bí thư thành ủy Hà Nội lại được dựng thành “Tân Tổng Bí thư đi xe máy tới thăm thầy cũ”. Tôi tin đọc được bài này, ông Trọng sẽ không vui mà ngược lại phải xấu hổ vì chuyện cách đây 2 nhiệm kỳ được báo chí tìm lôi dậy để gán cho ông ngay khi vừa nhậm chức Tổng Bí Thư.

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Chúc mừng ông Nguyễn Phú trọng đắc cử Tổng Bí thư

CHÚC MỪNG ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐẮC CỬ TỔNG BÍ THƯ

ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Tiểu sử:
Ông sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1957 đến năm 1963, ông học trường cấp II rồi cấp III Nguyễn Gia Thiều đóng tại Gia Lâm, Hà Nội.
Năm 1963, ông học Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (từ năm 1965 đến năm 1967, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái - nay là Thái Nguyên). Ông tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn chương.
Năm 1967, ông trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông công tác tại tạp chí Học tập (tiền thân của tạp chí Cộng sản), một trong ba cơ quan tuyên truyền quan trọng và chuyên chính nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam (cùng với báo Nhân DânQuân Đội Nhân Dân).
Năm 1973, ông được cử đi học lớp nghiên cứu sinh về kinh tế chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Năm 1981, ông được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô).
Tháng 8 năm 1983, ông về nước, tiếp tục công tác ở Ban Xây dựng Đảng của tạp chí Cộng sản. Được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10 năm 1983), Trưởng ban (tháng 9 năm 1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3 năm 1989), Phó tổng biên tập (tháng 5 năm 1990) rồi Tổng biên tập tạp chí Cộng sản (tháng 8 năm 1991).
Năm 1992, ông được phong học hàm Phó giáo sư và 10 năm sau (2002) ông được phong học hàm Giáo sư.
Từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 1 năm 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam, họp tại Hà Nội, ông cùng với 19 người khác được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII.
Tháng 8 năm 1996, ông làm Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Đại học[1], phụ trách công tác tuyên giáo của Thành ủy.
Tháng 2 năm 1998, ông phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Hiệu phó trường KHXH và Nhân Văn.
Từ tháng 8 năm 1999 cho tới hết nhiệm kì của Đại hội VIII, ông tham gia Thường trực Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII; trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn Văn kiện Đại hội IX của Đảng.
Tháng 1 năm 2000, ông làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Tháng 11 năm 2001, ông kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng. Từ đầu năm 2003, ông trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết 20 năm đổi mới, chuẩn bị và biên soạn văn kiện Đại hội X của Đảng.
Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, IX; Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII, IX và X; Đại biểu Quốc hội khoá XI.
Ngày 26 tháng 6 năm 2006, ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quốc hội thay ông Nguyễn Văn An, xin từ nhiệm.
Trong bài phát biểu của mình trước khi Quốc hội bỏ phiếu bầu, ông Trọng thừa nhận "chưa hiểu biết nhiều về công tác lập pháp và hoạt động nói chung của Quốc hội".
Tại kì họp đầu tiên của Quốc hội khoá XII, ông tái đắc cử chức Chủ tịch Quốc hội.
Tại kỳ họp khoá XI , đúng như dự doán của truyền thông quốc tế(BBC,RFA...) ông lên làm tổng bí thư.
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 19 tháng 01 năm 2011.

Đêm trăng Tả Giàng

                                                                                                                                                                       
Đặng Văn Sinh



       Đêm trăng Tả Giàng
                                         
Chuyện này tôi được ông già mù bản Nà Cưởm kể cho nghe hồi còn ở lâm trường khai thác gỗ Trùng Khánh cách đây gần bốn mươi năm. Tuy hỏng mắt nhưng ông già giã gạo rất giỏi. Khi giã, ông đổ thóc trên lưng cối, hai tay nắm chắc hai chày gố nhãn, rồi cứ đều đặn từng nhát một, cái nọ lên, cái kia xuống cho đến lúc hạt gạo trắng phau mà không bắn ra ngoài hạt nào. Lúc còn trai trẻ, ông là thợ săn có hạng của vùng Nà Gâm. Một lần ham đuổi con lợn đực đã trúng thương, do mất cảnh giác, ông bị nó hất xuống vực đập đầu vào đá, vỡ xương chỏm, mấy hôm sau thì không nhìn thấy gì nữa. Đêm ấy, ngồi quanh bếp lửa nhà sàn, uống rượu men lá nhắm với thịt nai khô nướng chấm muối ớt, chúng tôi nghe ông kể…
Ngày ấy, cách đây đã lâu lắm, không biết là rừng Khau Phầy đã bao nhiêu lần thay lá, ở Tả Khai có phường săn do trưởng bản Hoàng Tịch cầm đầu. Hoàng Tịch có họ với quan tri châu, giàu nhất vùng, nhiều vợ, nhiều trâu, ngựa và vô cùng say mê săn thú dữ . Một hôm, Hoàng Tịch dẫn phường săn vào Khe Đá vây ráp để tìm con báo vằn. Nghe dân bản đi làm nương về nói, từ nửa tháng nay, thỉnh thoảng thấy vết chân lạ dọc triền suối Hán. Bản Nậm Poóng mất ba con dê, còn đàn trâu của Nông Ích Định ở rừng Khoen bị nó vả chết con đầu đàn và một nghé tám tháng tuổi. Đến tối ngày thứ ba thì phường săn tìm được hang báo. Đó là một con báo cái, lông vằn hoa, dáng cao lớn, giữa trán có đốm trắng giống như ngôi sao năm cánh. Ngoài báo mẹ, trong hang còn một đôi báo con đang vờn nhau, thấy động, chúng chui vào ngách trong cùng. Hoàng Tịch sai đám thợ săn vần đá bịt hết các cửa, chỉ để cửa chính diện, sau đó lấy xà beng đào. Chừng nửa giờ thì cái ngách lũ báo con trốn được khai thông. Trưởng bản vừa lom khom bò vào thì bất ngờ bị bàn chân móng sắc như dao cạo cào cho một vệt rách cổ, máu chảy nhoe nhoét. Điên tiết, ông ta phóng ngọn giáo đâm chết cả hai con trước khi chúng kịp chạy sang chỗ mẹ. Bị dồn đến đường cùng, con báo vằn chống cự quyết liệt. Nó tát Lục A Sếnh vào thái dương, ngoạm một miếng làm vỡ xương quai xanh Hoàng Triệu Phì cháu họ Hoàng Tịch rồi liều chết, lấy đà phóng bừa vào giữa đám đông tua tủa giáo mác bằng một cú nhảy tuyệt đẹp. Dưới ánh lửa bập bùng của những ngọn đuốc làm từ nứa khô đập dập, đám thợ săn nhìn thấy mõm con báo cái tha lủng lẳng một vật gì rất lạ. Trưởng bản thích bộ da quý hạ lệnh cho phường săn không được làm nó bị thương mà phải bắt sống, nhờ thế con thú mới thoát hiểm. Chỉ có điều trong lúc phi thân tháo chạy, cái vật ở mõm nó bị Hoàng Phủng khua cán giáo chặn đường làm văng ra. Cánh thợ săn mang đuốc xúm lại soi, thì ra đó là một đứa trẻ trần truồng gần như vừa mới lọt lòng mẹ đang gào khóc thảm thiết bằng thứ giọng khàn khàn như tiếng mèo con sắp hoá dại. Phường săn bàn nhau mang đứa trẻ về nuôi nhưng trưởng bản không nghe. Ông ta bảo đó là cái ma rừng làm ra thế để báo hại dân bản. Không ai dám trái lệnh Hoàng Tịch vì ông ta là thủ lĩnh của mười tám bản vùng Tả Giàng, rất có thế lực, lắm mưu mô và cực kỳ tàn nhẫn. Tuy vậy, một thợ săn nhìn cảnh đó không đành lòng liền cởi chiếc áo đang mặc quấn cho thằng bé rồi mang đặt vào trong hang. Trước khi cả bọn về Tả Khai, trưởng bản cắt ba người ở lại canh chừng. Ông ta còn dặn :
 - Nếu con báo quay lại, chúng mày cứ bắn, không tiếc bộ da nữa.
Nửa đêm về sáng, đứa trẻ khát sữa khóc như xé vải, nghe rất là thương tâm. Bế Văn Lịch chợt nghĩ đến bà chị họ ở bản Púa, cách Tả Khai gần nửa ngày đường, mới đẻ đứa con chưa đầy tháng liền bàn :
 - Đứa trẻ này chắc bị mẹ bỏ rơi trong rừng rồi được con báo vằn tha về hang cho bú chứ chẳng phải ma quỷ gì đâu. Giờ không có cái ăn chắc nó chết mất. Hay là…hai anh cứ chờ ở đây, tôi mang nó vượt đỉnh Pú Nhì đi tắt sang bản Púa cho bà chị nuôi.
 - Thế chị mày có sữa không ?
 - Nó cũng mới đẻ một thằng bé.
 - Vậy thì được. - Hoàng Phủng, người chăn ngựa của nhà trưởng bản, gọi Hoàng Tịch bằng chú nhưng xem ông ta như kẻ thù, gật đầu tán thành - Coi như chúng ta làm một việc thiện. Nếu là người, sau này mong nó thành chàng trai tốt, còn vạn nhất, nếu là…ma rừng nó cũng không nỡ báo oán.
Bế Văn Lịch lập tức vào hang mang đứa bé ra, nhưng trước khi đi còn băn khoăn:
 - Sáng mai không thấy thằng bé, trưởng bản hỏi thì biết nói thế nào ?
Hoàng Phủng liếc nhìn Nông Văn Cuổi một thoáng rồi bảo :
 - Cứ bế nó chạy đi. Lão Hoàng Tịch thường ngày rất sợ ma rừng…Mọi việc ở đây cứ để chúng tao lo.
Bế Văn Lịch vừa đi vừa chạy, mệt đứt hơi, gần sáng thì đến được bản Púa. Chàng thợ săn chỉ nói nhặt được đứa trẻ bị bỏ rơi trong lúc lên nương, tuyệt nhiên không dám hé răng kể nó đã từng được một con báo vằn hoa cho bú. Người chị của Bế Văn Lịch là Bế Thị Nền, nhìn thấy thằng bé, thương lắm, liền ẵm lấy cho bú ngay. Mấy ngày sau, nó được bố mẹ nuôi đặt tên cho là Bế Hài Phạ.
Chưa đầy ba tuần trăng, Phạ đã lớn phổng lên. Người bản Púa có tục kiêng không đến thăm nhau khi nhà có phụ nữ mới sinh con, vì thế, ai cũng nghĩ, vợ chồng Bế Thị Nền được trời thương cho hai đứa con trai.

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Ông Năm Chuột

 Ông Năm Chuột
  Truyện ngắn của Phan Khôi


Hồi tôi còn 14 tuổi, 15 tuổi, thì đã nghe người làng nói nhiều về cái tên Năm Chuột. Về gốc gác của hắn, chỉ thấy nói là người làng Kỳ Lam, cái làng ở phía Bắc làng tôi, cách một con sông, về sau có cái ga xe hỏa gọi là ga Kỳ Lam, còn mọi sự khác không biết rõ. Hình như hắn cũng không có nhà cửa, cha mẹ, vợ con gì ở làng. Hắn làm thợ bạc, quanh năm đi làm nghề ở các nơi, nhất là các nơi đô hội, như Huế, Ðà Nẵng, Hội An.
Họ nói Năm Chuột là thợ bạc khéo nhất đời, ở Huế có nhiều thợ bạc danh tiếng cũng phải chịu thua. Nhưng lại nói hắn tổ làm đồ vàng giả, mỗi khi được gọi đến nhà làm đồ nữ trang cho người ta, nhà chủ dù ngồi cạnh một bên, hắn cũng cứ tráo bạc, tráo đồng vào, lấy vàng ra, không làm sao biết được. Bởi vậy cả vùng quê chúng tôi, những nhà giàu có, vốn biết Năm Chuột là thợ khéo, nhưng không ai dám thuê hắn làm việc gì về cái nghề của hắn cả. Nhiều người còn nói Năm Chuột đúc súng, đúc bạc giả được. Mỗi khi nói điều ấy, họ làm ra vẻ bí mật, hình như họ có ý ngờ cho Năm Chuột định làm một việc gì lớn, “làm giặc” chẳng hạn.
Nhưng không biết thế nào, người ta lại cho Năm Chuột là kẻ nói láo nói phét, vào cái hạng “mười voi không được bát nước xáo” tức là mắng người ấy đã lại nói láo nói phét rồi, có khi chỉ dùng độc một chữ: Chuột quá tức là láo quá.
Lúc bấy giờ tôi đang đi học ở những nơi cách xa làng, mỗi khi về làng, lại thỉnh thoảng nghe người ta nói chuyện về Năm Chuột như thế, như thế, tôi cũng chỉ nghe làm tai mà thôi, không để ý mấy. Mà hẳn thế, cậu cả con quan phủ, học giỏi có tiếng, đang lo sôi kinh nấu sử để khoa tới đây đỗ thủ-khoa, không thì cũng cử-nhân năm tên trở lên, việc gì mà phải để ý đến chuyện một anh thợ bạc.
Năm hai mươi tuổi, tôi thi đỗ tú tài --- quái lạ, sao lại đỗ tú tài? --- về nhà, cách mấy hôm thì tôi đi về làng Xuân Ðài thăm bà ngoại tôi và cậu tôi. Ở ăn một bữa cơm trưa, đến xế chiều, tôi cáo về thì vừa có một người đến. Người trạc dưới bốn mươi tuổi, mặt trẹt, nước da xanh xám, mắt sáng, miệng rộng, hai môi trề ra, hàm và cằm như nguyên không có râu, không phải cạo, người thấp song cũng không thấp lắm, đầu trọc, quấn cái khăn vải đen, áo cộc cúc giữa, quấn đến đầu gối, chân mang dép da sống.
Người ấy lúc vào đến cửa, hai tay cắp cái nón lá ngang ngực cúi chào cậu tôi, khi bỏ cái nón lá ra, mới thấy trong tay còn cầm một cái nữa mà sau này tôi mới biết đó là cái dọc tẩu. Nó là cái ống tròn mà dài, thấy thoáng như có khảm xà cừ và bịt bạc, bịt vàng gì đó. Cậu tôi như chào như không phải chào:
- Anh Năm phải không?
- Dạ, lâu lắm, có thể quan lớn quên tôi.
Tôi nguyên đã cáo về rồi, cho nên dù có gặp một người khách mới vào hơi lạ như thế cũng cứ việc ra về. Không ngờ khi tôi ra khỏi cổng, lên đường về mới một chặng, nghe có người chạy theo đằng sau gọi tôi đứng lại, thì ra là người thấy lúc nãy. Anh ta tự giới thiệu:
- Tôi là Năm Chuột đây.
Rồi đột ngột hỏi tôi:
- Nghe nói cậu đậu Tú Tài mà cậu khóc, có phải không? Giả sử cậu được đậu thủ-khoa thì cậu làm nên cái trò trống gì?
Một gáo nước lạnh xối vào xương sống! Tôi bẽn lẽn ấp úng, cười hì hì không trả lời được. Bởi vì cái lẽ anh ta nói đó tôi cũng có nghĩ tới, nhưng không đi thi thì thôi, đã đi thi thì lại muốn đậu to. Thế rồi Năm Chuột đi cùng đường với tôi, vừa đi vừa nói chuyện.
Anh ta có đưa cái dọc tẩu lên, nói với tôi:
- Ông cậu của cậu thật là keo quá, cái dọc-tẩu thế này mà cầm trả có 5 đồng bạc.
- Hoặc giả cậu tôi không có nhiều tiền chăng?
Tôi nói cho có nói, chứ không có ý gì cả. Nhưng anh ta cãi phăng:
- Quan lớn hồi xưa (chỉ ông ngoại tôi) làm đến Tổng đốc Hà Nội vừa chi, mà không có tiền lợp nổi cái nhà của ông bà để lại đã tróc ngói ; còn ông phủ (chỉ cậu tôi) mới làm Tri-phủ có 3 năm về “chung dưỡng”, mua được những mươi mẫu ruộng, tôi biết là hạng đất tốt nhất, thế sao nói là không có nhiều tiền?
Tôi thấy cái điều anh ta nói đó hình như đúng, tôi làm thinh. Bỗng dưng anh ta cất tiếng cười một cách rất xỏ lá, rồi nói tiếp:
- Ai có đời, cha chết vì đánh Tây mà con trở đi làm quan với Tây!
Nghe câu này tôi cảm động quá. Tôi không dám chống lại ý anh ta, chỉ nói như vớt vát một ít:
- Thấy bà ngoại tôi kể chuyện, lúc ông ngoại tôi mất rồi thì cảnh nhà sa sút quá đỗi, nếu cậu tôi không làm như thế thì đến lụn bại mất.
Anh ta bĩu môi, cái môi đã trề rồi, còn bĩu nữa, rất khó coi:
- Ra chỉ có làm quan mới cứu vãn được nghiệp nhà. Thế thì bao nhiêu người không làm quan, họ đều đi ăn mày hết.
Tôi lại làm thinh. Ngừng một lúc, anh ta nói tiếp:
- Hèn chi mà quan lớn chết ở Hà Nội năm Ngọ, năm Dậu thất thủ kinh đô, Nghĩa-hội nổi lên đánh Tây, năm Hợi, Tây kéo lên đóng đồn ở chùa Phi Phú, thì ông cậu của cậu đã làm bang tá trong cái đồn ấy. Ðể làm gì? Cậu có biết không? Ðể đàn áp Nghĩa-hội.
Những chuyện ấy, thầy mẹ tôi có kể cho tôi nghe hồi còn nhỏ, tôi biết cả, nhưng tảng lờ nói:
- Tháng tám năm Hợi, mẹ tôi mới đẻ tôi ra, tôi làm gì biết được những chuyện ấy?
Anh ta lại cười, nhưng không xỏ lá, nhìn vào mặt tôi:
- Thấy người ta nói cậu thông minh, nói chuyện với cậu, tôi cũng thấy cậu thông minh thật.
Thình lình anh ta nhảy mũi dặp hai ba cái, lấy khăn lau nước mũi cả nước mắt nữa, rồi nói thêm:
- Như tôi, (anh ta lấy tay phải ấn vào ngực) ghiền thuốc phiện cho đáng, chứ ông cậu của cậu mà cũng hút thì hết thảy những người nghiện chúng tôi đều phải lấy làm lạ.
- Sao vậy?
- Quan lớn hồi xưa có cùng mấy ông em lập một bản “gia ước”, trong đó có một điều cấm con cháu hút thuốc phiện, nếu phạm thì trừng trị bằng những cách nào đó. Thế mà dám phạm. Ðủ biết con người của ông cậu của cậu là vậy đó: cái gì cũng làm nghịch lại với cha.
Cái “gia ước” mà anh ta nói đây, tôi không hề biết, vì không hề nghe ai nói tới.
Nhưng tôi nghĩ, nếu đúng như thế, thì anh ta nói cũng có lý. Tôi lại làm thinh.
Ðây đã đến chỗ con đường rẽ vào nhà tôi, tôi đứng lại, nói mấy lời từ biệt. Năm Chuột nắm lấy tay tôi và nói:
- Tôi nói nãy giờ có làm mếch lòng cậu không? ở đời có thiếu gì chuyện nói, hà tất tôi gặp cậu lần đầu phải nói để làm mếch lòng cậu, nhưng tình cờ gặp câu chuyện đáng nói thì cứ nói.
Rồi anh ta tỏ ý mong gặp tôi lần khác.
Tôi vừa đi về nhà vừa nghĩ, “À, ra Năm Chuột là con người như thế đấy”.
Là một anh thợ bạc, sao lại nói được những điều như thế, tôi lấy làm lạ.
Tối hôm ấy, tôi đem cả câu chuyện Năm Chuột nói với tôi kể lại cho thầy tôi nghe. Thầy tôi bảo:
- Cái thằng láo đến thế là cùng!
- Nhưng những điều hắn nói, con thấy như cũng có cái đúng.
Tôi rón rén thưa lại.
- Ðúng kia à? Mặc dầu đúng chăng nữa, cái hạng thằng Năm Chuột mà lại được nói thế à?
Thấy thầy tôi nói hơi xẵng , tôi làm thinh. Một chặp tôi mới dịu giọng hỏi:
- Cái “gia ước” ông ngoại lập ra mà Năm Chuột nói đó, thầy có biết không?
- Tao không biết. Thấy nói sự cấm hút ấy ở nhà Ðông bàn (nhà quan thượng Phạm Phú Thứ) thì có, còn nhà Xuân Tài, tao không nghe.
Ðến lúc tắt đèn, đi ngủ rồi, thầy tôi còn nói một mình:
- Cái thằng láo quá!
Ðó về sau hơn 10 năm, tôi không gặp lại Năm Chuột lần nào. Chừng vào khoảng 1920, một lần tôi ở Hà Nội về nhà, thấy người ta nói Năm Chuột bây giờ lập gia đình ở ngụ tại làng tôi, tôi bỗng có cảm giác như là một vật gì mình đã bỏ quên đi mà bây giờ thấy lại.

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

"Những cây thông quanh biệt thự", vết sẹo thời gian


    Những cây thông quanh biệt thự",vết sẹo thời gian


                                                            Đặng Văn Sinh
    
           
Bài thơ mang tính ẩn dụ cao qua hình ảnh những cây thông được trồng làm hàng rào xung quanh một ngôi biệt thự. Phải thừa nhận, ở trường hợp này, tác giả có cái nhìn sắc sảo, từ một hiện tượng khá bình thường trong đời sống đã khái quát thành triết lý nhân sinh.
Cây thông và dây kẽm gai là hai đối tượng chẳng có mối liên hệ gì với nhau nếu xét về thuộc tính cũng như tương quan trong xã hội . Chúng là vật vô tri nên hoàn toàn bất khả tri. Tuy nhiên , bằng vào sự chiếm hữu nhân danh trí tuệ loài người, con người dù vô tình hay hữu ý đã tước đoạt quyền  tự do, biến cây thông và sợi kẽm gai thành những vật thể phụ thuộc, áp đặt cho thế giới tự nhiên ý chí của mình. Đây là hiện tượng bất bình đẳng có tính lịch sử. Ta dễ dàng nhận thấy, qua sự tăng dần của các chi tiết , nội hàm bài thơ dần dần biến đổi. Sợi dây kẽm gai quấn quanh cây thông không còn là hiện tượng bình thường, mà qua cái nhìn của nhà thơ, nó đã chuyển hóa thành vấn đề xã hội. Đó là mối quan hệ giữa một đồ vật với một sinh vật trong đời sống cộng sinh, giữa thân phận con người với thiết chế xã hội. Cây thông, theo quan niệm của văn hóa phương đông, tượng trưng cho người quân tử, ngay thẳng, dám chấp nhận sống nơi đất cằn, dáng vươn cao, sẵn sàng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Dây kẽm gai không phải là sản phẩm  tự nhiên mà là thành tựu của nền văn minh công nghiệp, từ lâu đã được xem là biểu tượng hủy diệt, chẳng thế mà nhà văn Nguyễn Đình Thi, trong bài "Đất nước" nổi tiếng một thời đã từng viết :"Ôi những cánh đồng quê chảy máu /  Dây thép gai đâm nát trời chiều". Đặt hai hiện tượng có bản chất rất khác thường này bên nhau tất yếu sẽ nảy sinh xung đột dẫn đến bi kịch cho cuộc đời cây thông, biến cây thông thành một thứ hàng rào tầm thường bằng cách thủ tiêu từ từ phẩm chất tốt đẹp của nó.
Ngoài tính biểu tượng, bài thơ còn tạo ra sự bất ngờ, tác động vào nhận thức người đọc qua hàng loạt những hình ảnh chọn lọc, giầu biểu cảm, những từ , ngữ đa sắc thái chuyển tải một năng lượng vô hình nhưng có sức nặng thẩm mỹ, đánh thức phần mờ tối của lương tri vốn đã bị tê liệt, làm nó hoạt động trở lại sau khi cảm nhận được nỗi đau :
"Ngậm kẽm gai ngập sâu đến tủy
Ứa giọt nhựa quyện vào sắt rỉ
Đúc bê tông bền cho những nỗi đau.
Tôi nghĩ, có được những câu thơ trên, ai nào biết, tác giả đã hơn một lần hóa thân thành kiếp cây rừng trải nghiệm nỗi đau, dốc cạn dòng máu, vắt kiệt trí não, để rút ruột tằm , trải lòng mình với nhân quần mà đọc lên nghe thổn thức như tiếng oan khiên từ cả ngàn năm vọng lại :
Nhựa vẫn lên, sùi từng cục lớn
Mím cặp môi sưng
Trước vết thương
không bao giờ kín miệng.
Cái không bình thường lúc này lẩn khuất trong cái bình thường, sử dụng cái bình thường như một thứ phương tiện hợp lý để tha hồ thao túng bằng sợi dây thép gai có vẻ như là rất hiền lành kia, thông qua thứ ngôn ngữ hào nhoáng nhưng bên trong là cả một hệ thống kỹ thuật ràng rịt . Tôi có trói anh đâu, chỉ tạm thời giới hạn anh trong một không gian hẹp để anh tự điều chỉnh hành vi của mình, nhưng thật trớ trêu, cái vòng thép gai kia tưởng lỏng hóa lại vô cùng chặt :
Vết thương
Ai chém thông đâu
Thông càng lớn càng ôm vào gai góc
Những vòng gai buộc lỏng ban đầu.

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Bài thơ "Lính mà em" của ai?

Bài thơ "Lính mà em" của ai?

                Đặng Văn Sinh  
                                                                                                                           
           
Sau khi Phạm Tiến Duật qua đời, tình cờ, một lần vào trang web nguyenkhacphuc.com, tôi thấy nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho đăng bài thơ "Lính mà em" của nhà thơ quá cố. Bài thơ đã gây ấn tượng mạnh trong tôi bởi yếu tố lãng mạn trữ tình được thể hiện qua những dòng cảm xúc thật chân thành của một người lính trong cuộc chiến đang ở vào thời kỳ vô cùng khốc liệt. Xét về mặt thi pháp, "Lính mà em" thuộc một "kênh" khác hẳn với những gì trước đó Phạm Tiến Duật đã viết. Nó thuộc vào "phần chìm" của tư tưởng nghệ thuật, thoát ra khỏi những ràng buộc của hệ ý thức, khẳng định tư cách cá nhân của người nghệ sỹ trong quá trình sáng tạo. Với bài thơ này, tất nhiên, lúc ấy, tốt nhất là nên cất dưới đáy ba lô, còn nếu dại dột mà hở ra thì cái "vạ" có khi còn "đậm" hơn cả "Vòng trắng" sau này.
Đang định viết vài dòng bình thi phẩm lãng mạn khá hiếm hoi thời chiến chinh này  gửi vào "trannhuong.com" để tưởng nhớ hương hồn nhà thơ Trường Sơn thì tôi lại đọc được một tư liệu khá bất ngờ trên Blog ABA.ABA.ABA của ông bạn Lưu Đình Tuân về bài thơ trên.( Lưu Đình Tuân, tuổi Hổ 1938, vốn là giáo viên giảng dạy môn vật lý PTTH, đa tài, giỏi tiếng Pháp, tiếng Bồ, viết thư pháp chữ Hán có hạng, đã từng làm chuyên gia giáo dục Phi châu, dịch nhiều sách của Viễn Đông Bác Cổ sang tiếng Việt. Là một tay giang hồ lãng tử, HọLưu (Chắc không phải là hậu duệ Lưu Bị) đã nhiều lần "du hành" xuyên Việt bằng con xe "bố già" long song sọc, chiếc laptop second-hand và chiếc máy ảnh"lười" kỹ thuật số...). Độc giả nào muốn đọc những "đoản khúc " hài hước của Lưu Đình Tuân xin vào địa chỉ Blog sau :
                      http://nguyenthiphuong.multiply.com/
Lưu Đình Tuân hiện đang là phiên dịch tiếng Bồ và tiếng Pháp cho huấn luyện viên trưởng và một số cầu thủ nước ngoài của CLB bóng đá hạng nhất tỉnh Tây Ninh .Ông có một người anh họ là Vũ Quốc Chấm. Đầu năm 1975, Đà Nẵng thất thủ, ông Chấm khi ấy thuộc quân Giải phóng, nhân lúc lộn xộn ở phi trường, có lượm được cuốn sổ tay của người lính Việt nam cộng hòa nào đó để lại, trong đó chép bài thơ "Lính mà em". Chuyện ấy cũng là lẽ thường, miễn bàn luận nếu không có một cô bé phát hiện ra, trong sổ tay chị gái mình cũng có bài thơ giống hệt như thế (chỉ khác vài ba chữ) mà tác giả lại là... một người lính Sài gòn. Chuyện thực hư như thế nào, bạn đọc đọc những dòng dưới đây, trích từ Blog ABA.ABA.ABA của tác giả Lưu Đình Tuân. Tuy nhiên loại blog 360 hiện  đã bị nhà cung cấp dịch vụ Yahoo cho nghỉ hưu nên các friends mất thêm công đoạn gõ Google, may ra "đồng chí" khổng lồ này mới tìm được văn bản đối chứng.
( Trích từ Blog ABA.ABA.ABA)
... Riêng bài thứ ba dưới đây, anh Chấm nói với tôi đại khái:" Cái bọn lính Ngụy chúng nó cũng thích thơ chú ạ. Năm 75, lúc vào sân bay Đà Nẵng, giấy tờ ngổn ngang, anh vớ được quyển sổ tay, chép nhiều bài thơ hay ra phết, bài này anh nhớ nhất, anh đọc chú nghe; ấy, cái thời nào nó phải theo thời ấy, chú ạ; nó là bài thơ của người em gái động viên cái bọn lính tiền tuyến ấy mà! Bài ấy như thế này: