Nhãn

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Từ một bản luận văn


 Từ một bản luận văn

Đó là bản luận văn thạc sĩ văn học mang đề tài “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”. Tác giả luận văn là Đỗ Thị Thoan, còn được biết đến trong văn giới với bút danh Nhã Thuyên. Người nghiên cứu này còn trẻ (sinh 1986), đề tài lại về một hiện tượng của văn học đương đại rất mới mẻ, nhưng đã được bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại của khoa Ngữ văn, Đại học Sư Phạm Hà Nội, chấp nhận cho làm. Luận văn đã hoàn thành, đã được hội đồng chấm cho điểm 10 cách đây ba năm. Bây giờ một làn sóng phê phán bản luận văn đang được dấy lên bằng những bài viết chỉ trích người làm, người hướng dẫn, người chấm, và cả cơ quan chủ quản trong việc này. Giọng điệu các bài viết rất gay gắt, phẫn nộ, đòi xử lý trách nhiệm của tất cả những ai có dính líu đến bản luận văn. Và thông tin nghe được cho biết Nhã Thuyên đã bị chấm dứt hợp đồng giảng dạy ở khoa Văn ĐHSPHN, giáo viên hướng dẫn cô cũng bị thôi chức trưởng bộ môn, và bản luận văn sẽ bị đưa ra phanh phui, mổ xẻ.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Hận cá chém thớt


Hận cá, chém thớt
 (về luận văn của Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan)

Nguyễn Vạn Phú

Có lẽ nhiều người biết đến Hầu tước de Sade, một nhà văn Pháp sống ở thế kỷ 18, viết toàn tiểu thuyết dâm dục, miêu tả cặn kẽ chuyện làm tình, cảnh bạo dâm, khổ dâm còn ghê hơn nhiều truyện khiêu dâm chính cống. Nhưng dù muốn dù không người ta vẫn xem ông là nhà văn, thậm chí có người còn cho ông là tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực…
Giả thử có một sinh viên cao học làm luận văn thạc sĩ về ông này, với luận đề “tình dục trong văn de Sade là biểu hiện nổi loạn của một người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan”. Có thể nào chê trách luận văn này tràn đầy những câu trích “trắng trợn” về tình dục? Có thể nào lên án người sinh viên cổ xúy cho lối sống phóng túng, bạo dâm?
Những người phê phán luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan cũng rơi vào chỗ tương tự: thay vì ném sự phẫn nộ của họ vào nhóm Mở Miệng họ lại chĩa mũi dùi vào người nghiên cứu nó, tạo ra một tiền lệ chưa từng thấy: báo chí phổ thông, nhà phê bình văn học lại đi phê bình một luận văn thạc sĩ của một trường đại học. Bởi vậy họ không nói gì đến phương pháp luận, tính khoa học, cách thể hiện của luận văn, họ chỉ tìm những câu trích phục vụ cho việc phê phán nói trên.

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là xung đột về khung trí thức và thế hệ?


Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ?

Trần Đình Sử

     1.Một cách hành xử quá nóng vội
Cuộc phê phán luận văn thạc sĩ năm 2010 của giảng viên đại học Đỗ Thị Thoan hiện đang rầm rộ khắp cả nước, trên các báo lớn, báo nhỏ với đủ các từ quy kết nặng nề như “phản văn hóa”. “phản động,”, “mượn danh khoa học để làm chính trị”, “ngụy khoa học”, “sự lệch chuẩn”, “sự nổi dậy của rác thối”, tham vọng soán ngôi của thơ rác…Một đám cháy đang bùng lên dữ dội trên văn dàn.  Mật độ cấp tập của sự phê phán không kém gì với các cuộc phê phán tác phẩm Vào đời của Hà Minh Tuân năm xưa mà tôi đã nhắc đến với sự xử lí oan đối với cả cuộc đời nhà văn đại tá quân đội. Đồng thời với sự phê phán là các đề nghị cách chức, xử lí những người hữu quan, và thực tế đã không tiếp tục kí hợp đồng giảng dạy với cô giáo Nhã Thuyên một cách vội vàng, chưa đủ thủ tục pháp lí. Thông thường người ta chỉ xử lí sau khi đã nghị án rõ ràng, có người bào chữa, có ý kiến của đương sự. Đằng này tất cả đều làm rất nhanh, bên trên, sau lưng đương sự, thiếu các thủ tục dân chủ tối thiểu trong một xã hội được coi là đề cao dân chủ thì thật tiếc là thiếu sự đàng hoàng. Tại sao chúng ta không tổ chức đối thoại, nêu câu hỏi để yêu cầu nhà khoa học trẻ giải trình, mà chỉ cho phép phê phán, như là một tội lỗi đương nhiên không cần bàn cãi? Tại sao chúng ta lại hành xử một sự kiện văn hóa một cách thô bạo, y như hồi những năm 50, 60, khi chúng ta đang còn ít kinh nghiệm?  Giả thử luận văn thạc sĩ Đỗ Thị Thoan có sai lầm nghiêm trọng chăng nữa thì cũng cho người ta cơ hội để nhận thức và sửa chữa, tương lai của cô còn rất dài, chọn được một người có trình độ học thức để làm giảng viên đại học đâu phải câu chuyện dễ? Chúng ta phải tin vào con người. Mọi sự đều sẽ thay đổi, không có gì là bất biến.

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Thư gửi Giáo sư Phong Lê


Thư gửi Giáo sư Phong Lê

Nguyễn Thị Từ Huy
 
GS Phong Lê
Giáo sư Phong Lê kính mến!
Mong Giáo sư tha thứ cho sự đường đột của một người không quen, thuộc thế hệ đi sau của Giáo sư, vì dám gửi cho Giáo sư lá thư này.
Mới đây thôi, tôi được biết là Giáo sư có can dự vào một vụ được mọi người trong giới gọi là “Nhân văn giai phẩm hiện đại”. Vụ việc đã diễn ra khá lâu thế mà gần đây tôi mới biết, đây âu cũng là một cái lỗi khó tha thứ của một người làm việc trong lĩnh vực văn chương như tôi. Lý do là vì quá buồn chán với những thứ tầm thường, tôi tuân theo lời khuyên của dịch giả, nhà nghiên cứu văn học đáng kính Lê Hồng Sâm: “Hãy tạo ra cho mình một ốc đạo xanh tươi và hãy đọc những tác giả lớn để nuôi dưỡng thế giới của riêng mình”.
Theo các thông tin đang được lan truyền thì Đỗ Thị Thoan đã bị đuổi việc, người hướng dẫn khoa học là Phó Giáo sư Nguyễn Thị Bình bị cách chức, và Giáo sư Phong Lê có tham gia vào Hội đồng thẩm định lại luận văn của Đỗ Thị Thoan sẽ diễn ra trong những ngày tới đây. Nếu các thông tin đó là chính xác thì tôi, với tất cả sự kính trọng mà tôi vẫn luôn dành cho Giáo sư, xin phép được gửi tới ông một vài lời như sau.
Giáo sư đang tham gia vào một vụ án văn học sẽ đi vào lịch sử, không thể khác được. Phản ứng của độc giả, của văn giới trong những ngày gần đây cho thấy nó đã bước những bước vững chắc vào lịch sử văn học của thời đương đại. Vì thế mỗi hành động, mỗi phát ngôn của Giáo sư sẽ trở thành chứng tích cho một thời kỳ, sau này Giáo sư có muốn cũng không thể xóa đi được. Không phải vô lý thì người ta gọi vụ Luận văn về Mở Miệng là một vụ Nhân Văn Giai Phẩm hiện đại. Giáo sư Phong Lê là chuyên gia về văn học Việt Nam, hẳn Giáo sư biết rõ vụ Nhân Văn Giai Phẩm đã diễn ra như thế nào, các nhà văn đã bị vùi dập ra sao, và rốt cuộc người ta lại trao giải thưởng cho họ. Trường hợp của Trần Dần nổi tiếng đến mức giờ đây không còn ai là không biết.

Khước từ thỏa hiệp để lựa chọn tự do

Khước từ thỏa hiệp để lựa chọn tự do

          Nhã Thuyên phỏng vấn Lý Đợi và Bùi Chát
Sau bài “Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn“, tôi nhận được phản hồi từ một độc giả ở trong nước rằng nền phê bình ấy vẫn còn đó, vẫn hàng ngày hàng giờ sống ở khá nhiều giảng đường đại học Việt Nam. Bài “xã luận” của báo Văn nghệ về vụ “luận văn Mở Miệng” củng cố thêm sự hoài nghi về cái chết dường như được báo trước quá sớm ấy. Đồng thời tôi được biết những thông tin sau đây: 1. Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan), tác giả bài luận văn, là giảng viên tại Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội từ tháng 9 năm ngoái, đã bị trường cho thôi việc ngay khi có dư luận về loạt bài của ông Chu Giang Nguyễn Văn Lưu trên Văn nghệ TP HCM và Hội nghị Lý luận Phê bình Toàn quốc lần thứ  ba ở Tam Đảo; luận văn của Nhã Thuyên đã bị rút khỏi thư viện của trường. 2. Một hội đồng xét lại luận văn này – trong đó có GS Phong Lê, cựu Viện trưởng Viện Văn học và PGS TS Phan Trọng Thưởng, Viện trưởng Viện Văn học, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương – sắp công bố kết quả giám định mà ai cũng có thể đoán trước. 3. PGS TS Nguyễn Thị Bình, người hướng dẫn nghiên cứu sinh Nhã Thuyên, sắp thôi chức chủ nhiệm bộ môn Văn học Hiện đại Việt Nam tại trường.
Quả thực tôi đã nhầm ở một điểm: sự cám dỗ của chính thống. Cũng trong những ngày này, “Lớp tập huấn Quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật và hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật năm 2013″ diễn ra khắp các tỉnh thành trong nước. Trước khi xem xét và lí giải kĩ lưỡng hơn nhận định “cú giãy cuối cùng” ở một bài viết khác, tôi muốn giới thiệu lại bài phỏng vấn đã đăng trên Da MàuTiền Vệ, do Nhã Thuyên thực hiện với Lý Đợi và Bùi Chát năm 2011, sau thời gian hoàn thành “luận án Mở Miệng”. Ở đây tài năng, bản lĩnh, tư duy và kiến thức của những đồng nghiệp còn rất trẻ này khiến tôi cảm phục, còn sự nghiêm túc và lịch duyệt của họ khiến tôi ái mộ. Văn học Việt Nam lẽ ra phải hãnh diện vì có một thế hệ như thế. Họ làm nên một phần quan trọng sự lạc quan của tôi.
Ngày 17 tháng 7 năm 2013
Phạm Thị Hoài 
___________________
Vào tháng 11 năm 2010, khi nhóm Mở Miệng và hoạt động xuất bản của nhóm thông qua “cơ quan ngôn luận” là nhà xuất bản Giấy Vụn đã đi được một chặng đường dài gần 9 năm, tôi đã đề nghị phỏng vấn Lý Đợi và Bùi Chát, với mục đích ban đầu là làm tư liệu cho một nghiên cứu cá nhân về “những tiếng nói ngầm trong thơ Việt Nam hậu đổi mới” (nghiên cứu này vẫn đang được tiến hành với sự hỗ trợ một phần của tổ chức ANA - Artsnetworkasia). Thực hiện cuộc phỏng vấn này, tôi muốn tìm hiểu một cách tương đối kĩ lưỡng về sự hình thành, phát triển, những hoạt động cũng như những vấn đề xung quanh sáng tác và hoạt động xuất bản của Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn. Một phần vì khoảng cách địa lý, một phần vì cuộc phỏng vấn sẽ phải kéo dài và nhiều vấn đề có lẽ chỉ có thể rõ ràng và thuận tiện trình bày trên văn bản, chúng tôi thống nhất là phỏng vấn qua email. Từ phía người phỏng vấn, tôi cũng cảm thấy vài bất lợi như sự đứt đoạn hay việc không được cảm nhận trực tiếp thái độ, cảm xúc của những người cùng trò chuyện. Do đó, sau khi nhận được trả lời phỏng vấn lần 2 vào ngày 9/1/2011, tôi có nghĩ tới một dịp tiếp xúc trực tiếp để trao đổi thêm một vài vấn đề để hoàn tất cuộc phỏng vấn. Nhân những sự kiện xoay quanh Bùi Chát và nhà xuất bản Giấy Vụn thời gian qua, tôi xin phép, qua sự đồng ý của các tác giả, đăng tải cuộc phỏng vấn còn dở dang này. Xin cảm ơn sự hợp tác của Lý Đợi và Bùi Chát cho cuộc phỏng vấn này
Nhã Thuyên
*

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

THI THƠ TRÊN FACEBOOK : THƠ THÌ DỞ MÀ NÉM ĐÁ THÌ TÀI


THI THƠ TRÊN FACEBOOK : THƠ THÌ DỞ MÀ NÉM ĐÁ THÌ TÀI

Trần Mạnh Hảo

Sau khi trang mạng Nguyễn Trọng Tạo in bài : “Ỏng eo Trần Mạnh Hảo” của nhà thơ Lê Huy Mậu ( nguyên trưởng ban tư tưởng văn hóa tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, nguyên chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Bà Rịa-Vũng Tàu” nhằm đáp lại bài : “Vài cảm nghĩ về cuộc thi thơ trên Facebook” của chúng tôi (TMH), chúng tôi có gửi đến trang Nguyễn Trọng Tạo bài viết : “XIN NHÀ THƠ LÊ HUY MẬU CHỈ GIÙM CHÚNG TÔI CÁI HAY CỤ THỂ CỦA BA BÀI THƠ ĐƯỢC GIẢI NHẤT VÀ NHÌ TRÊN FACEBOOK

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đồng ý in bài viết này của chúng tôi, đã email cho tôi như sau :

“Từ: nguyen trong Tao <nguyentrongtao@gmail.com >
Tới: Bo Me <hungdimy@yahoo.com >
Đã gửi 21:41 Thứ Ba, 23 tháng 7 2013
Chủ đề: Re: có đi có lại, Trần Mạnh Hảo gửi anh Nguyễn Trọng Tạo in dùm và dùng còm để...

OK Hảo. Nhớ nhẹ lời thôi nhé.”

( hết trích)

Vâng, từ trước đến giờ, chúng tôi vẫn hằng giữ nguyên tắc, rằng trong phê bình văn học, tuyệt đối chỉ phê bình dựa vào văn bản, không xúc phạm cá nhân, không bới móc đời tư hoặc chửi bới thô tục. Không cần anh Tạo dặn : “NHỚ NHẸ LỜI THÔI NHÉ !”, chúng tôi vẫn nhẹ nhàng từ khuya rồi, thưa anh.

Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn


Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn

Phạm Thị Hoài
Luận văn thạc sĩ của tác giả Đỗ Thị Thoan tức Nhã Thuyên , mang tên: Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa, thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam, mã số 602234. Bản luận văn được Hội đồng chấm luận văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chấm điểm và hiện được lưu trữ tại thư viện trường này.

Năm ngoái, mấy cây dầu cổ thụ trong một bài thơ ít người biết đến bỗng khuấy động chút ít thi đàn Việt Nam. Tác giả, ông Đàm Chu Văn, chuyên viên cao cấp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai kiêm Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, bị một đồng nghiệp thấm nhuần lập trường chuyên chính soi quan điểm chính trị. Cuối cùng mọi chuyện cũng ổn. Ông chỉ mất bốn tiếng đồng hồ giải trình sự trong sáng của mình với cơ quan tuyên giáo. Báo chí đưa tin. Đồng nghiệp Hồng Vệ binh im. Quan văn nghệ trung ương bật đèn xanh. Như trong vụ “Cánh đồng bất tận” sáu năm trước, những robot tuyên giáo ở một số tỉnh lẻ có lẽ vẫn tiếp tục chạy theo lập trình đấu tranh tư tưởng mấy thập niên quên cập nhật, nhưng thời của nền phê bình chỉnh huấn trên diện rộng ở toàn quốc đã qua rồi. Không ai đọc ai điếu cho nó. Nó đơn giản đã đóng xong vai trò kinh dị của mình trong một chương kinh hoàng của văn học sử đất nước này.
Tôi phải nhận rằng mình chưa bao giờ hâm mộ trường phái thơ mượn lời cỏ cây hoa lá để tâm tình. Khi tôi đến với văn chương thì những tâm tình đặc sắc nhất đặt vào miệng thiên nhiên đã được thốt ra rồi, từ đó trở đi cứ thấy cánh hoa nào trầm ngâm, nhành cây nào đau đáu, áng mây nào nặng trĩu nhân văn là tôi bỏ chạy. Tôi phải bảo vệ tình yêu văn chương của mình. Cũng như mọi tình yêu, chết vì buồn tẻ là nguyên nhân hàng đầu.

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013


VÀI CẢM NGHĨ VỀ CUỘC THI THƠ TRÊN FACEBOOK
Trần Mạnh Hảo
Theo báo mạng Thơ Trẻ :

“Tổng kết trao giải Cuộc thi thơ trên Facebook chủ đề "Lời tỏ tình đầu tiên"

“Sáng nay, 18/7/2013 tại khách sạn Continental (Quận 1, TP .HCM), đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi thơ đầu tiên trên Facebook chủ để: "Lời tỏ tình đầu tiên" theo sáng kiến độc đáo của ông Phạm Thanh Long - một người yêu thơ.
Cuộc thi này do ông Phạm Thanh Long đề xuất ý tưởng kiêm nhà tổ chức và nhà tài trợ. Mọi chi phí tổ chức đều do cá nhân ông Phạm Thanh Long lo liệu, không hề nhận bất cứ tài trợ nào khác. BTC nhận thấy hiện người yêu thơ và làm thơ rất nhiều, song ít có nơi để họ thể hiện mình và trình làng tác phẩm, do vậy cuộc thi ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đó của nhiều người dù diễn ra chỉ trong một tháng.
 
Ban giám khảo gồm các nhà thơ uy tín: Hồng Thanh Quang, Văn Lê, Lê Minh Quốc, Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Phong Việt.”

Tiết dạy mẫu về Chống tham nhũng


       Tiết dạy mẫu về Chống tham nhũng

Mạc Văn Trang


Cô giáo Hạnh ở hàng xóm, chạy sang nhà mình:
- Anh ơi, giúp em với!
- Anh thì giúp gì được!?
- Anh ơi, trường em là trường điểm, lớp em là lớp điểm, em là giáo viên điểm cho nên em phải soạn giáo án mẫu về phòng chống tham nhũng, dạy thí điểm… Trên yêu cầu là phải vận dụng các phương pháp tích cực, “lấy học sinh làm trung tâm”…
- Kinh nhỉ! Ngày xưa dạy học cốt “ít mà tinh”, để học sinh tự hình thành nhân cách theo những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, Ích; nó thành người hiểu biết, lương thiện thì tự nhiên sẽ có mọi thứ…
- Bây giờ trên chỉ đạo theo kiểu “cần gì học nấy”, cho nên phải dạy đủ mọi thứ, mà “cái nhân cách” cứ tóe loe đi đâu hết! Bắt dạy chống tham nhũng mới cực chứ!...
- Dạy chống tham nhũng... thế mà hay! Cô thử nghiệm món này khéo thành “đặc sản” cũng nên!
Thế là hai anh em trao đổi một hồi xem vận dụng những thủ thuật sư phạm gì để chuyển tải nội dung cho sinh động. Cái chính là để cô tự tin. Còn soạn giáo án là kỹ xảo của cô rồi.
Hiệu trưởng giao nhiệm vụ: Sau khi cô dạy thí điểm, các giáo viên dự giờ, góp ý, giáo án của cô sẽ được hoàn thiện, thành “giáo án mẫu”. Nhưng không biết số phận cái “giáo án mẫu” này sẽ ra sao? Xin bà con xem Biên tiết dạy “mẫu” dưới đây.
Trường điểm Đ., lớp điểm 11A2, Cô Lò Thị Hạnh giáo viên (GV) dạy thí điểm. Ban giám hiệu và 15 GV dự giờ. Lớp có 40 học sinh (HS). Tiết học bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày… Phần thủ tục xong. GV bắt đầu…

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Sao Đồng bằng sông Cửu Long lại mở cuộc thi để tôn vinh thơ dở?


 Sao Đồng bằng sông Cửu Long lại mở cuộc thi để tôn vinh thơ dở?

Trần Mạnh Hảo

Sau nhiều dư luận phê phán nạn đạo thơ trong cuộc thi thơ lần thứ 05 của đồng bằng sông Cửu Long do Hội VHNT Sóc Trăng đăng cai, vừa qua, kết quả đã được thông báo như sau trên các trang báo mạng :
 GIẢI NHẤT:+ Tiếng đờn ca tài tử ở phà Vàm Cống - Cao Thoại Châu - Long AnGIẢI NHÌ:+ Phía mùa cam bạc lá – Nguyễn Thanh Hải – Tiền Giang GIẢI BA:1- Xóm mình nghèo giấu điện vào đêm - Nguyễn Ngọc Tân - Cà Mau2- Nhật ký cho ngày rỗng - Trần Huy Minh Phương - Sóc Trăng
 GIẢI KHUYẾN KHÍCH:1- Tản mạn trưa - Nguyễn Thanh Hải -Tiền Giang2- Gió heo may - Nguyễn Giang San - Đồng Tháp3- Đồng con gái - Võ Thị Nguyệt - Cần Thơ4- Khúc biển 3 - Nguyễn Đình Chiến - An Giang5- Đi tìm ngày mai - Trương Chí Hùng - An Giang

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Câu 2 của "Đề thi môn ngữ văn Cao đẳng 2013" của Bộ Giáo dục & Đào tạo mắc hai lỗi sai văn phạm


 Câu 2 của "Đề thi môn ngữ văn Cao đẳng 2013" của Bộ Giáo dục & Đào tạo mắc hai lỗi sai văn phạm

            Trần Mạnh Hảo

            Báo “ Tuổi Trẻ” số ra ngày thứ tư 17-7-2013  nơi bài : “ĐÁP ÁN CÁC MÔN THI CAO ĐẲNG” của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo in đề thi môn ngữ văn ( khối C,D) gồm hai phần, mỗi phần hai câu. Chúng tôi xin trích câu 02, phần một như sau :

            CÂU 02 ( 3,0 điểm)
“Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi”.
“Hãy viết một bài văn ngắn ( khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về ý kiến trên” 
( hết trích)

             Bất kể ai đã học qua cấp một ( tiểu học) khi chỉ thoáng nhìn phần đề bài thi trên đã nhận ra câu ra đề có hai lỗi văn phạm.
 Lỗi thứ nhất : thừa một từ “ THÌ”.
 Lỗi thứ hai : thiếu ba từ : “CHO NGƯỜI KHÁC”
 Như vậy, “ câu 02” trong phần một của đề thi cao đẳng quốc gia môn ngữ văn  phải viết lại như sau mới đúng văn phạm :

 “ Khi có lỗi, người tử tế sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi cho người khác”.

            Than ôi, một hội đồng ra đề thi đại học, cao đẳng gồm toàn các giáo sư tiến sĩ, hoặc các giáo sư đầu ngành môn ngữ văn, lại được duyệt bởi một hội đồng toàn các giáo sư đầu ngành khác, sao lại để sai hai lỗi văn phạm rất nặng như trên ? Cái lỗi mà một học sinh đã học qua tiểu học cũng không được phép sai phạm. Xem ra, nền dạy văn và học văn nước nhà đã đến thời mạt vận rồi sao ?

Sài Gòn ngày 17-7-2013

T.M.H.

Nguồn: Tác giả gửi trực tiếp

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Lời ông chủ tịch về hưu


Lời ông chủ tịch về hưu

Viếng hương hồn anh Lê Văn Chất

Mai Hồng Niên

Tao đã thấp, mày còn lùn
Việc đời chắc chắn “đánh bùn sang ao”
Học hành chẳng có là bao
Đứng trong phường hội “Cào cào đá xe”
Từ thằng buôn trứng, bán bè
Chạy vào quan chức mà ghê cả người
Góp chung vốn để hưởng lời
Cùng thằng đào ếch - một thời xông pha
Người cổ ngắn, thích ba hoa!

Những con tàu tiền tỷ "tai tiếng" của Vinashin giờ thế nào?


Những con tàu tiền tỷ "tai tiếng" của Vinashin giờ thế nào?



Tàu Hoa Sen được Vinashin mua về từ Ý vào tháng 11/2007 với giá khoảng 60 triệu euro để kinh doanh chở khách và hàng hoá tuyến Hòn Gai (Quảng Ninh) - Sài Gòn.
  - Trong số những con tàu tiền tỷ "tai tiếng" của Vinalines mới có 1 con tàu được bán. Những con tàu còn lại đang phiêu dạt xứ người, đồng nghĩa với việc các thủy thủ vẫn chưa được về nước.

Tháng 12/2008, sau khoảng 40 chuyến biển, Hoa Sen ngưng hoạt động do lỗ nặng. Tháng 1/2009, phát hiện sự cố nứt đáy, Hoa Sen phải sửa chữa tại Hyundai - Vinashin, thay một lượng lớn tôn đáy tàu. Từ tháng 4/2009, Hoa Sen vào neo tại nhà máy tàu biển của Vinashin ở Cam Ranh.

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Việt Nam: Giải Nobel y học 2013


Việt Nam: Giải Nobel y học 2013

            Trịnh Kim Thuấn

Thông thường theo điều lệ của giải Nobel hàng năm : văn học, khoa học, y học, hòa bình … đều phải có đề cử, có hội đồng xét, chấm giải …
Năm nay , riêng về giải Nobel Y Học lại là trường hợp ngoại lệ, nguyên do là :
Hôm rày, vụ nhà báo Nguyễn Như Phong, chủ bút của báo Năng Lượng Mới (Petro Times) trong chuyến đi công tác sang Algérie, đã đến thăm chiếc giếng cổ hơn 1000 năm tuổi ở thị trấn Hassi Messaoud, thuộc Algérie.
Bản tin Báo NLM 30/6/2013 cho biết : ông Như Phong “đã múc nước giếng từ độ sâu hơn 50 mét lên và rửa mặt, rồi nhấp thử một ngụm, thấy mặn như nước biển rồi đổ đi “.
Ngày hôm sau, trên đường trở về Việt Nam : mặt và đầu của ông sưng vù, hai bàn tay sưng quá to, không thể cầm nắm được nữa … và tất cả những chỗ trên người dính nước đều bị sưng rất to “ ….
Qua điện thoại, ông mong muốn “có ai chặt hộ … đầu đi, để khỏi đau đớn nầy, thì rất … cám ơn “.
22 giờ 30 đêm, ngay sau khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhà báo Nguyễn Như Phong đã được đưa thẳng vào Bệnh viện Chợ Rẫy- TP.HCM. Các bác sĩ ở khoa Cấp cứu đã ngay lập tức tiến hành “tẩy độc” và hiện sức khỏe của ông tạm thời ổn định.
Cha đẻ của bộ phim “Bí mật Tam giác vàng” lấy làm cảm kích và bày tỏ lòng biết ơn với các y , bác sĩ ở khoa Cấp cứu BV.Chợ Rẫy vì đã giúp ông vượt qua cơn đau khủng khiếp ! (theo Petro Times 30/6/2013).

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Bảo Ninh, người làm lễ bỏ mả cho giai đoạn thơ văn minh họa


Bảo Ninh, người làm lễ bỏ mả cho giai đoạn thơ văn minh họa
            Đỗ Trường
            (CHLB Đức)


Cuộc sống này, quả thật còn có nhiều điều không thể hiểu. Tôi chỉ là người viết văn tép riu, vui là chính, như lời nhà thơ Trần Nhương. Ấy thế mà, tôi cảm giác, văn thơ như có một sợi dây vô hình nào đó gắn bết lại lại với nhau. Khi viết Nguyễn Trọng Tạo, tôi lại nghĩ đến nhà thơ Hoàng Cát, Lưu Quang Vũ. Lúc viết về Trần Mạnh Hảo, cái hào sảng, khí phách con người cũng như thơ ca Bùi Minh Quốc lại hiện về. Viết xong Đỗ Hoàng, thế quái nào tâm trí còn đọng lại bác Bảo Ninh. Giờ này đang viết về Bảo Ninh, người lính chiến miền Bắc, lại thấy ông em họ, lính thám kích miền Nam, chết sau mấy năm trở về, từ nhà tù Thanh Hóa, ngồi lù lù bên cạnh …
Nguyễn Minh Châu là nhà văn tài năng số một của miền Bắc viết tiểu thuyết, văn xuôi về đề tài chiến tranh. “ Dấu Chân Người Lính“ được cho là một trong những cuốn tiêu biểu đỉnh cao nghệ thuật của văn học thời kỳ ấy. Nhưng năm 1987, Nguyễn Minh Châu ra lời kêu gọi bằng chính tác phẩm của mình: “ Hãy Đọc Lời Ai Điếu Cho Một Giai Đoạn Văn Nghệ Minh Họa“. Thật ra, trước ông đã có một số nhà văn, nhà thơ đã định làm lễ bỏ mả cho cái giai đoạn văn nghệ tuyên truyền, minh họa này. Tiêu biểu Phạm Tiến Duật năm 1974 với bài thơ “ Vòng Trắng“. Mấy năm sau, Nguyễn Trọng Tạo lại trần trụi với bài “ Tản Mạn Thời Tôi Sống“…Chưa đúng thời, cả hai ông đều bị tẩm quất. Văn chương thơ phú muốn nói thật viết thật, quả thật còn nguy hiển hơn cả ngoài mặt trận. Phạm Tiến Duật lộn lại chiến trường, còn Nguyễn Trọng Tạo bị dồn đến chân tường, có những lúc ông đã phải nghĩ đến cái chết.

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Lược khảo về các tên gọi Viện Hàn lâm và Viện sĩ cùng những nhầm lẫn tai hại*(tiếp theo và hết)


Lược khảo về các tên gọi Viện Hàn lâmViện sĩ cùng những nhầm lẫn tai hại*(tiếp theo và hết)

       Lê Mạnh Chiến

Hơn một năm qua, mọi người đã tôn xưng GS Phan Huy Lê khi thì là viện sĩ, lúc thì là viện sĩ thông tấn Viện HL bi ký và mỹ văn Pháp. Nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều người, trong đó GS  Đinh Xuân Lâm đã nói rằng, GS Phan Huy Lê được bầu vào Viện hàn lâm Pháp, đồng nghĩa với việc ông trở thành con người “bất tử” của nước Pháp, được người Pháp thờ  phụng muôn đời. Nhưng sự thực thì GS  Phan Huy Lê chỉ được Viện hàn lâm  bi ký và mỹ văn chỉ định làm thông tín viên, làm việc của một nghiên cứu viên cấp thấp, không cần có có sự bầu chọn ở một cuộc họp của hội đồng viện sĩ.
 Phải coi việc GS Phan Huy Lê được chỉ định  làm thông tín viên của Viện HL Bi ký và Mỹ văn là một vinh dự và may mắn quá lớn đối với ông. Tuy thế, đó vẫn là một việc rất rất nhỏ, chưa đáng để cho báo chí ở Pháp đưa tin, chỉ có các bản tin tiếng Việt phóng đại quá sai mà thôi. Chúng tôi phải tìm ở website của L’Académie des Inscriptions et Belles Lettres thì mới thấy tin này bằng tiếng Pháp.
 Sự hồn nhiên của ông chủ tịch Hội sử học thật đáng trách. Lẽ ra, vinh dự mà mình được hưởng đến đâu thì cứ khoe đến đấy, đằng này lại khoe quá đà, vượt sự thật quá xa, để cho gần một trăm triệu người Việt Nam hiện tại (nếu kể cả mai sau thì còn nhiều lắm) bị lấm lẫn, từ thạch anh lại tưởng là ruby thượng hạng  hoặc kim cương, để rồi khi vỡ lẽ ra thì lại thất vọng ê chề, chán chường, bực tức rồi quay ra chửi đổng.
        Trước đây, khi một  thành viên nước ngoài của Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên Xô) xuất hiện trên báo chí dưới danh hiệu là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên Xô), ví dụ, ông  Nguyễn B chẳng hạn, bao giờ cũng thấy viết là GS.VS. Nguyễn B. Viết như vậy là phạm liền mấy lỗi, như tôi đã phân tích ở trên.  Nhưng thật khó biết đó là lỗi của nhà báo, của biên tập viên, lỗi của nhân viên đánh máy hay là lỗi của chính ông Nguyễn B. Riêng về GS Phan Huy Lê, tôi đã thấy có chỗ ông viết tên mình là GS.VS.Phan Huy Lê rồi ký tên và đóng  dấu của Hội Khoa học lịch sử.
       Nói tóm lại, GS Phan Huy Lê    thông tín viên(correspondant) của Viện hàn lâm Bi ký và  Mỹ văn (L’Académie des Inscriptions et Belles-Lettres), một Viện học thuật nổi tiếng vào hạng thứ tư hoặc thứ năm ở Pháp; ông không  hề là “viện sĩ” của một Viện nào cả, lại càng không thể là Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp như chính ông cùng hệ thống báo chí toàn quốc  đã từng ngộ nhận và tuyên truyền rầm  rộ và coi đó là một niềm tự hào của người Việt Nam..

Lược khảo về các tên gọi Viện Hàn lâm và Viện sĩ cùng những nhầm lẫn tai hại*(Tiếp theo)



Lược khảo về các tên gọi Viện Hàn lâmViện sĩ cùng những nhầm lẫn tai hại*(Tiếp theo)

       Lê Mạnh Chiến


Tuy website chính thức  của Viện hàn lâm khoa học Nga không nhắc đến  ngạch thành viên nươc ngoài, coi như nó không tồn tại, nhưng, bài viết về Viện hàn lâm khoa học Nga trong  từ điển Wikipedia tiếng Ạnh thì có nhắc đến một chút. Điều đó chứng tỏ rằng, đối với Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên Xô), thành viên nước ngoài (иностранный член, foreign member) chỉ là thành viên hình thức, có ý nghĩa hết sức phù phiếm, mờ nhạt, đương nhiên  không thể là viện sĩ. Chưa cần xét đến thành tích và uy tín trong khoa học, chỉ riêng vấn đề quốc tịch đã không cho phép người nước ngoài trở thành viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên xô). Thành viên thông tấn (члены-корреспондент, corresponding member) của  Viện hàn lâm khoa học Liên Xô  (hoặc Nga) có tư cách thành viên thấp hơn viện sĩ, đương nhiên, không phải là viênhj sĩ nhưng có thể coi như “viện sĩ dự bị”.

        Viện hàn lâm Pháp (Académie franÕaise) vốn là ”ngôi đền” để tôn vinh các vĩ nhân của nước Pháp cho nên chỉ có ngạch thành viên chính thức tức là các viện sĩ chứ không có các ngạch  thấp hơn. Nhưng ở các Viện hàn lâm khác thì thường vẫn có vài ngạch thành viên, trong đó, ngạch cao nhất là thành viên chính thức, tiếng Pháp gọi là membre titulaire (nhưng người ta thường viết  là membre mà không cần có chữ titulaire) mới là viện sĩ (tức là académicien).
       Hai tiếng “viện sĩ” hiện nay nghe rất quen tai nhưng hình như cũng mới xuất hiện ở Việt Nam chừng nửa thế kỷ. Trong quyển Hán- Việt từ điển của Đào Duy Anh không có từ này. Giở quyển Pháp – Việt từ điển, xem chữ Académicien, thấy cụ Đào viết:  Académicien: 1. Nhà triết học về phái Platon; 2. Hội viên của Quốc gia học hội; hội viên tòa Hàn lâm nước Pháp. Lại xem tiếp các quyển từ điển Pháp – Việt    Việt – Pháp của Đào Văn Tập hay của  Đào Đăng Vĩ  in ở Sài Gòn hồi những năm 50 – 60 của thế kỷ trước, cũng không thể tìm thấy chữ  “viện sĩ”.
        Giở mấy  quyển từ điển của Trung Quốc hiện có trên giá sách của tôi như  Cổ kim Hán ngữ từ điển, Cổ kim Hán ngữ thực dụng từ điển hay Tân hiện đại Hán ngữ từ điển (kiêm tác Anh-Hán từ điển)  thì thấy quyển nào cũng có từ “viện sĩ”, với  lời diễn giải giống nhau. Quyển  Tân hiện đại...viết:  院士 (viện sĩ): academician; nhân viên nghiên cứu cao cấp nhất của các bộ phận thuộc viện khoa học ở một số quốc gia. Tôi cho rằng, định nghĩa như vậy là chính xác.
       Tiếp tục tìm hiểu thêm thì biết rằng, ở Trung Quốc lâu nay không hề sử dụng tên gọi “viện hàn lâm” để chỉ các viện khoa học, nhưng  họ vẫn có các viện sĩ. Hiện tại, ở nước này có hai loại viện sĩ có uy vọng ngang nhau, đó là: Viện sĩ  Viện khoa học Trung Quốc (Chinese Academy of Sciences, CAS)và Viện sĩ Viện công trình Trung Quốc (Chinese Academy of Engineering, CAE), gọi tắt là Viện sĩ Trung khoa viện Viện sĩ Trung công viện. Người Trung Hoa bắt đầu    viện sĩ  từ năm 1948.

Lược khảo về các tên gọi Viện Hàn lâm và Viện sĩ cùng những nhầm lẫn tai hại*


Lược khảo về các tên gọi Viện Hàn lâmViện sĩ cùng những nhầm lẫn tai hại*

  Lê Mạnh Chiến

MỤC LỤC

I  Về  Viện hàn lâm
   1. Hàn lâm viẹn ở Trung Hoa và ở Việt Nam thời xưa
   2.  Về các chữ  Académie, Academy, Akademiya
   3. Viện hàn lâm Pháp
   4. Viên hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện hàn lâm khoa học Nga
II  Về tên gọi “viện sĩ”
Thế nào là viện sĩ
Tên gọi “viện sĩ” phải đi kèm v ới tên viện hàn lâm
III. Những nhấm lẫn không nhỏ trong việc sử dụng tên gọi “viện sĩ”
Sử dụng  không đúng theo thông lệ của tiếng Việt
Sai lệch quá lớn giữa danh vị thật và danh vị dược quảng bá
cuộc tuyên truuyền rầm rộ cho một mỹ hiệu hão huyền
IV.  Vài lời cui bài

  Phần thứ nhất

I.  Về Viện Hàn lâm (hay  Hàn lâm viện trong Hán ngữ)

1.  Hàn lâm viện ở Trung Hoa và ở Việt Nam thời xưa

              Theo từ điển Từ  hải, chữ  hàn翰 (trong Hàn lâm viện翰 林 院) vốn có nghĩa là một loai gà núi đẹp, gọi là cẩm kê, dịch sang tiếng Việt là “gà gấm”. Về sau, chữ hàn 翰này còn có nghĩa là cái lông chim dài và cứng. Ngày xưa, ở châu Á cũng như ở châu Âu, người ta dùng những chiếc lông chim dài và cứng để làm bút viết, do đó, chữ hàn翰 lại có nghĩa là cái bút, và còn có thêm vài nghĩa khác nữa. Trong từ hàn lâm翰林thì hàn 翰 nghĩa là bút, lâm 林nghĩa là rừng; hàn lâm 翰 林có nghĩa đen là rừng bút, nghĩa bóng là văn đàn, là chốn tinh hoa về học thuật.

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

DANH HIỆU VIỆN SĨ VIỆN HÀN LÂM PHÁP CỦA GS PHAN HUY LÊ: MỘT SỰ MẠO XƯNG LIỀU LĨNH ?


DANH HIỆU VIỆN SĨ VIỆN HÀN LÂM PHÁP CỦA GS PHAN HUY LÊ: MỘT SỰ MẠO XƯNG LIỀU LĨNH ?

Nguyễn Hưng           
         Từ giữa thàng 10/2012, sau khi bài Lược khảo về các tên gọi viện hàn lâm và viện sĩ cùng những nhầm lẫn tai hại của tác giả Lê Mạnh Chiến xuất hiện trên  tạp chíNghiên cứu & Phát triển  rồi được một số website đưa lên mạng Internet, bài báo ấy đã được phổ biến một cách nhanh chóng..  Rất nhiều độc giả cảm thấy sửng sốt khi biết rằng, lâu nay, các tên gọi “viện hàn lâm” và “viện sĩ” đã được hiểu một cách mơ hồ dựa trên sự suy luận theo cảm tính, dẫn đến những  “nhầm lẫn tai hại”. Tiếc thay, những “nhầm lẫn tai hại” ấy lại rơi vào những “trí thức tinh hoa” vốn được coi là những “bậc thầy” trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục.
        Tuy nhiên, tác giả bài đó chưa  (hoặc chưa có điều kiện) chỉ rõ, ngoài những  “nhầm lẫn tai hại” còn có sự mạo xưng có tính toán, có đạo diễn kỹ càng. Nay chúng  tôi  đã có  bằng chứng đầy  đủ về vụ mạo xưng liều  lĩnh của GS Phan Huy Lê.. Trước  khi nói về vụ này, chúng tôi thấy cần đúc kết sự phân tích  về những “nhầm lẫn tai hại” trong bài Lược khảo…. và  xin phép bổ sung một số ý nhỏ để làm  rõ nét  hơn về hiện tượng phản văn hóa khá phổ biến này.
I.              Những nhầm lẫn tai hại về viện hàn lâm và viện sĩ
              Danh tiếng của Viện hàn lâm Pháp (Académie franÕaise)  trong giới trí thức tân học ở nước ta hồi nửa đầu thế kỷ 20 đã khiến cho tên gọi “viện hàn lâm” (tương ứng với Académie, Academy và Akademiya trong các thứ  tiếng Pháp, Anh và Nga) thu hút sự sùng kính và ngưỡng mộ. Tiếp theo đó, tên tuổi lẫy lừng của một số viện sĩ thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô trong vài chục năm giữa thế kỷ 20 lại càng làm cho các tên gọi Viện hàn lâm và viện sĩ trở nên cao quý lạ thường. Mặt khác, các khái niệm về viện hàn lâm và viện sĩ thoạt nhìn có vẻ rất đơn giản nên không mấy ai tìm hiểu kỹ càng. Từ đó, dẫn tới những nhầm lẫn lâu dài. Có thể kể ra một số nhầm lẫn phổ biến nhất như sau:
1.          Tên gọi “Viện hàn lâm” trong tiếng Việt tương ứng với chữ  Academy trong tiếng Anh (hoặc Académie, Akademya trong tiếng Pháp và tiếng Nga). Tuy nhiên,  các  chữ Academy, Académie, Akademiya …lại còn có những nghĩa khác  như học viện, trường học (trung học, đại học), hiệp hội học thuật, v.v. Ở nước ta, nhiều người khi gặp các chữ này đều dịch là “viện hàn lâm” ngay cả  khi nó có nghĩa là trường học hoặc là hội học thuật. Bởi vậy, có vị giáo sư từng học tại trường đảng của Liên Xô mang tên là Akademiya obshhestvennykh nauk (Học viện khoa học xã hội) thì xưng là đã nghiên cứu tại Viện hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô. Phần lớn các trường đại học quân sự ở  Nga (và  Liên Xô trước đây) thường được gọi là Akademiya, nhưng các sĩ quan Việt Nam theo học ở đấy lại gọi  trường học của mình là Viện hàn lâm quân.sự. Lỗi này có lẽ  là do hiểu biết về tiếng Nga quá hẹp.

Định hướng Trung Quốc


Định hướng Trung Quốc

            T/S Alan Phan

            Đồng Đăng đây, nọ Bình Tường
            Song song đôi mặt như gương với hình
            Bên ni biên giới là mình
            Bên kia biên giới cũng tình quê hương…
                                    (Thơ Tố Hữu)
Trong cuộc phỏng vấn ngày 19/6/2013 với RFI, và trong cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ trước đó, G/S Carl Thayer đã phân tích và kết luận là Việt Nam đã chọn Trung Quốc làm đối tác chiến lược căn bản, nhất là trong các vấn đề chính trị và kinh tế; do đó, vai trò của Âu Mỹ sẽ mờ nhạt tại Việt Nam trong tương lai. Các diễn biến gần đây cho thấy GS Thayer khá chính xác trong việc chuần mạch.
Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên bố là quan hệ Việt-Trung đã đi vào một bước ngoặt mới rất tích cực sau chuyến viếng thăm của Chủ Tịch nước Việt qua Trung Quốc. Dù là viên tướng Bắc Việt đầu tiên thăm Ngũ Giác Đài, Tổng Tham Mưu Trưởng Đỗ Bá Tỵ đã minh định rõ quan điểm của mình trước đó,” Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông. Mối tình hữu nghị Việt-Trung, tài sản vô giá do chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ tịch Mao Trạch Đông sáng lập và dày công vun đắp đã ngày càng phát triển mạnh mẽ và được nâng lên thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.”

Nhiều bạn BCA hỏi thăm về hệ quả của bước ngoặt này trong nền kinh tế tài chánh sắp đến. Nếu Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ không xẩy ra, liệu kinh tế Việt Nam có phục hồi vào 2015 như dự đoán? Những ngành nghề và phân khúc thị trường nào sẽ phát triển, và ngược lại? Thành phần nào sẽ hưởng lợi, và ngược lại? Liệu môi trường vĩ mô có giúp cho các doanh nghiệp tư nhân hay ngược lại? Chúng ta nên đầu tư tiền nhàn rỗi vào đâu?