Nhãn

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Ký ức làng Của (tiếp theo)




    Ký ức làng Cùa
   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


            PHẦN THỨ HAI

           Chương mười một        

                                          1

Lái Lự hồi bốn sáu đã là uỷ viên Mặt trận Liên Việt, những năm sau này lại ủng hộ gạo cho kháng chiến nhưng cũng không thoát khỏi tầm ngắm của Đội Cải cách xã Nhân Ái. Người ta phát động bần cố nông tìm ra vô số tội có thật và không có thật của ông ta trong quá khứ để quy kết bằng được thành phần địa chủ phản động. Nặng nhất là vụ bán gần hai chục con trâu cho đồn điền Bon Bajar sau đó đến việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân Áo đen của Khúc Kiệt. Ông cựu lái trâu ngồi trong nhà giam chín ngày thì bị mang ra xử. Với từng ấy tội danh, căn cứ vào khung hình phạt rất tuỳ hứng của Toà án Cải cách đang thi hành, dù có bổ sung tình tiết tăng nặng chăng nữa, ông cựu uỷ viên Liên Việt cũng chỉ tù chung thân là cùng. Nhưng khốn nỗi là, Uỷ ban Cải cách đã phân bổ chỉ tiêu án tử hình cho các xã. Nhân Ái gồm bốn làng bình quân mỗi làng ít nhất phải có ba. Làng Bòng mới xử bắn Phó tổng Phạm Công Cảo và Lý trưởng Trần Phê, còn một suất nữa tất nhiên phải là Lái Lự.

Nguyên khí (12)




           NGUYÊN KHÍ

   Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường



          12. QUỐC CỮU NGUYỄN PHÙ LỖ


                                    Phượng những tiếc cao diều hãy liệng
                                           Hoa thường hay héo cỏ thường tươi

                                   (Tự thán – 50 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi )



Lại nói về quan Nội mật viện Nguyễn Phù Lỗ.
Trước ngày vua Lê Thái Tông khởi hành đi kinh lý  miền Đông và duyệt binh ở thành Chí Linh, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh đã nài xin nhà vua sắc phong cho ông chú họ lên tước hầu và danh xưng Quốc Cữu. Nàng giở hết ngón nghề tình ái, lại phô diễn hết vẻ đẹp đang độ xuân thì  của “gái một con trông mòn con mắt” để dẫn dụ, mơn trớn, chiếm đoạt, khiến nhà vua như  lên cung tiên.Trong vòng tay ngà ngọc của mỹ nhân, cuộc mây mưa lại  quá nồng nàn say đắm, nhưng vua Lê Nguyên Long vẫn đủ tỉnh táo, chỉ hứa với nàng sẽ xem xét.
Giám quan Đinh Phúc, vốn được vua tin cẩn, nghe vua hỏi ý, liền can rằng:
- Bẩm Hoàng thượng. Đây là việc lớn, liên quan đến nội tình triều chính. Hoàng thượng nên hỏi  ý quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi, sau khi Người từ Chí Linh về. Bọn giám quan chúng thần cùng Thái phó Lê Liệt cảm thấy gần đây Nội mật viện Nguyễn Phù Lỗ có chuyện khuất tất liên quan đến Hoàng hậu và Hoàng Thái tử Bang Cơ.

Hậu Chuyện kể năm 2000 (kỳ 5)



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)
Kỳ 5


Bùi Ngọc Tấn                                             

Tôi bắt đầu viết văn trở lại vào tháng 3 năm 1990, hai tháng sau khi mẹ tôi mất. Tôi không phải là nhà sử học ghi nhớ chính xác ngày tháng, các sự kiện trên thế giới trong mùa xuân năm ấy. Chỉ biết rằng khoảng thời gian trước và sau năm 90, những sự kiện vô cùng trọng đại đối với nhân loại đã xẩy ra.
Đầu thế kỷ 20 là những ngày rung chuyển thế giới ở nước Nga. Cuối thế kỷ 20 là sự hóa giải sự kiện rung chuyển thế giới ấy cũng ở nước Nga. Cuộc thí nghiệm tìm con đường đi của nhân loại đã có kết luận: Đây là cuộc thí nghiệm vô trách nhiệm với chi phí gần trăm triệu mạng người và đã thất bại. Một chủ nghĩa hấp dẫn bởi chất lãng mạn không tưởng, đáp ứng được ước mơ của những người bị áp bức bóc lột, nghèo đói nhưng đã bộc lộ tất cả tính chất phản khoa học tàn bạo núp dưới những mỹ từ đẹp nhất của chủ nghĩa nhân đạo và của khoa học. Tôi mong đợi từng ngày và mong đợi quá lâu rồi, sự sụp đổ của cái trật tự bóp chết con người, bóp chết tự do, sự dối trá thống trị, cái trật tự làm thành một bầu trời đá xám úp chụp lên đầu từ Việt Nam tới tận Cộng Hòa Dân Chủ Đức! Cái trật tự xã hội tôi đã sống gần trọn đời và ghê sợ nó. Cái trật tự mà một thời tôi đã từng tin tưởng và tự hào về nó, xây dựng nó, bảo vệ nó. Ngay khi đã bị chính bánh xe tàn bạo của nó nghiền nát. Tôi tự cười mỉa khi nghĩ đến dạo mới bị tù, biết một người tù chuẩn bị trốn trại, đã báo cáo ban giám thị bởi không thể để lọt một tên tội phạm ra ngoài xã hội được! Và khi đã lên Vĩnh Quang, sau 4 năm tù mõm ra rồi, nhận suất cơm khoai dầm nát và hai muôi nước canh cá khô mục, tanh và khắm đến lộn mửa, tôi vẫn ngạc nhiên tự hỏi: “Nhà tù mình cũng cho tù ăn cá mục?”

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Nguyên khí (11)



  NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

                    
     11. TƯỢNG NHÂN BÙI THỊ HÝ


                          Giang sơn như tạc anh hùng thệ
                          Thiên địa vô tình sự biến đa

                         ( Nước non như vẽ người đâu tá
                          Trời đất vô tình việc rối bong)

           ( Quá Thần Phù hải khẩu – Ức Trai thi tập - Nguyễn Trãi )

“ Hai người này sẽ làm rạng danh vùng đất Chu Trang, Nam Sách. Nhưng phải sáu trăm năm nữa, người đời mới biết đến họ…”
Lời tiên  đoán của Ức Trai tiên sinh vào tháng bẩy năm Nhâm  tuất,1442 ấy, đúng 567 năm sau, vào ngày 26 tháng 10 năm 2009, tức ngày 9 tháng 9 Kỷ sửu, hậu duệ của tượng nhân Bùi Thị Hý mới tìm thấy phần mộ và lai lịch của bà.
Câu chuyên bắt đầu từ lá thư của ngài Makoto Anabuki, Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản ở  Hà Nội gửi cho ông Ngô Duy Đông, lãnh đạo tỉnh Hải Hưng.
Năm 1980, trong một chuyến sang thủ đô Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ,  ông Makoto Anabuki đã tới thăm bảo tàng nổi tiếng Topkapi Saray. Tại đây ông đã nhìn thấy chiếc bình hoa lam quí giá hình củ tỏi, cao 54 cm, được bảo hiểm tới một triệu USD, có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (Thái Hòa năm thứ 8 – Đời vua Lê Nhân Tông, 1450 – tượng nhân là Bùi Thị Hý, người châu Nam Sách lưu bút).
Vì sao cặp bình Tình Nhân, âm - dương, lại chỉ còn một? Chiếc bình âm - Tỳ bà, thất lạc ở đâu? Vì sao chiếc bình cổ của Việt Nam lại đến tận đất nước Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi? Tượng nhân Bùi Thị Hý là ai? Ở đâu? Sống vào thời nào?

Hậu Chuyện kể năm 2000



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)
Kỳ 4


Bùi Ngọc Tấn                                             



Ăn đói mặc rách, các con tôi cứ lớn lên, cứ là học sinh giỏi, ba đứa đỗ đại học. Riêng Giáng Hương, quán xuyến mọi việc trong gia đình, ít có thời gian học tập, chỉ đỗ cao đẳng.([1]) Chúng là tất cả cuộc sống của tôi, là những gì tôi phải cố lo toan trong khi mình bị nhấn chìm và chỉ là một thứ phó người. Sự trưởng thành của chúng còn như một thách thức những người mà tôi có thể chỉ đích danh, sau khi bỏ tù tôi còn muốn vợ chồng tôi ngồi vỉa hè vá xe đạp, bán nước chè chén, các con tôi bơm xe hay móc túi. Mỗi thành công của vợ chồng tôi, của các con tôi đều nằm ngoài ý muốn của họ. Các con tôi đều là những người tử tế, những người lương thiện. Vâng. Chúng đều tử tế và lương thiện. Đó là niềm tự hào của vợ chồng tôi.
Rồi chúng lấy vợ lấy chồng.
Giáng Hương là đứa xây dựng gia đình đầu tiên. Buổi tối sau khi nhà trai đến đón dâu, gian phòng hai mươi mét vuông gắn bó cùng tôi bao nhiêu năm, quen thuộc từng miếng vôi tróc trên tường, từng tia nắng chiếu qua cửa sổ chênh chếch di chuyển theo mùa bỗng nhiên trống hơ trống hoác. Tôi khóc. Giáng Hương không còn trong nhà tôi nữa. Giáng Hương đã được hoài thai từ đây, tập đi từ đây, lớn lên từ đây. Đã đưa đôi vai non nớt của mình chia xẻ gánh nặng cuộc sống với chúng tôi từ đây. Từ nay tối tối lên giường nằm ngủ, không nhìn thấy Giáng Hương tắt đèn rồi sau đó bóng con gái vén màn bước vào và nằm xuống sàn. Bao giờ Giáng Hương cũng là người đi ngủ sau cùng và là người dậy sớm nhất nhà, vào bếp, nhồi mùn, nấu cơm, chuẩn bị bữa sáng. Để đến khi cả nhà dậy đã có cơm ăn, rồi mỗi người một phương, con cái đi học, bố mẹ đi làm. Những bữa cơm ăn trong đèn dầu lúc mờ sáng. Cũng có khi là cơm hâm tuỳ theo giờ làm việc ở cơ quan hay xí nghiệp. Cho cơm nguội vào sanh, lấy muôi miết cơm vào đáy sanh, chiếc sanh nhôm nhà tôi đáy bằng đã có đáy hình quả dưa từ những nhát miết ấy của Giáng Hương khiến tôi nhớ đến câu thơ của ai đó viết về độ dài của cuộc chiến tranh ở nước ta: Khẩu tiểu liên đã mấy lần ngắn lại.

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Nguyên khí (kỳ 10)

   NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường
 
              10. NI CÔ TIỂU MAI


                      Ánh nước hoa in một đoá hồng
                      Vết nhơ chẳng bén bụt làm lòng
                       Chiều mai nở chiều hôm rụng
                       Sự lạ cho hay tuyệt sắc không

                           ( Mộc Cận – Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi )



Lại nói về nhóm người tháp tùng Tiệp dư Ngọc Dao cùng Hoàng nhi Lê Tư Thành.
Thuyền của họ theo sông Kinh Thầy, ngoặt  sang sông Rừng ra gần cửa bể, rồi rẽ vào một con lạch nhỏ, đi quanh co giữa những cánh rừng lim cổ thụ, đến một ngôi chùa. Nơi đây phong cảnh thật hữu tình. Ngôi tam bảo nằm ở thế tả thanh long hữu bạch hổ, tựa lưng vào một  đồi thông, bên trái  là một hồ rộng, bên phải có một gò thoải, phía trước là cánh đồng. Sư thầy trụ trì có pháp danh Nhật Chiêu là một người nhân hậu. Vào đêm rằm nguyên tiêu, nhà sư nằm mơ thấy Phật bà Quan Âm hiển linh bảo rằng mùa thu sẽ có tiên đồng của Ngọc Hoàng hạ giới. Sư thầy liền cho dựng riêng một bảo am đàn nhang hương khói. Đến tháng tư bỗng có quân gia của quan An phủ sứ đến lệnh rằng, mùa thu tới nhà chùa chuẩn bị đón tiếp người của triều đình. Quả nhiên, bây giờ Tiệp dư và Ấu vương đã tới. Sư thầy Nhật Chiêu cùng các sư, vãi và phật tử vinh hạnh và sung sướng vô cùng.

Hậu Chuyện kể năm 2000 (kỳ 3)

HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)
Kỳ 3


Bùi Ngọc Tấn                                             


Khi chuyển đi trại trung ương, tôi đã dúi cho một người bạn tù tin cậy cả ba quyển và dặn anh ta cố giữ, đừng đánh mất. Được tha về nhà, tôi không ngờ lại gặp chúng, tuy rằng thiếu đi một quyển. Thế là trong nhà tôi vẫn có hai tập sách. Nó đã vào tù cùng một ngày với tôi, cùng chia xẻ đắng cay hoạn nạn, chia xẻ thân phận xà lim tối tăm với tôi, im lặng trò chuyện cùng tôi, giúp tôi giảm được bao nhiêu đòn tra tấn của những phút giây ngục tối.
Vợ tôi gói kỹ hai quyển sách cất vào trong tủ như vật gia bảo. Đó là những người bạn tù chung thuỷ của tôi! Đã rất nhiều bạn tù chết, nhưng người bạn tù có ghi tên một đại văn hào này vẫn sống dù là một đời sống thực vật: Nằm im trong tủ. Thú thật là tôi không muốn giở ra xem lại. Bởi những dòng chữ từ cựa gà chiếc bút máy Pilot thôi ra tí nước uống của tôi, thứ chữ li ti bợt bạt thoi thóp ấy cứa vào lòng tôi. Nó làm tôi sống lại những phút giây căm phẫn đắng cay tuyệt vọng. Nó làm tôi đau lại nỗi đau của bố mẹ tôi giờ đây khuất núi, nỗi đau của vợ tôi, của các con tôi. Tôi cũng không muốn các con tôi đọc nó. Đừng làm tổn thương thêm những tâm hồn non nớt trong trẻo của chúng. Đôi mắt chúng, trái tim chúng đã trúng thương rồi.
Tôi cố giữ sự trong sáng trong đôi mắt nhìn đời của các con tôi, nhưng đó là cuộc chiến đấu không cân sức, đúng hơn, cuộc chiến đấu trong tuyệt vọng. Bởi chính quyền đâu muốn thế. Họ tìm mọi cách để vợ chồng tôi, các con tôi luôn nhớ mình là ai và không bao giờ được phép quên điều đó. Những buổi gọi bố rồi gọi con ra đồn khai lại lý lịch. Những giấy tờ của các con tôi trong khi đi học cần được chính quyền, công an chứng nhận đều bị ngâm cứu, kéo dài từ ngày nọ sang ngày kia, nhiều lần lên đồn xuống phủ khiến chúng tôi lo lắng, mất ăn mất ngủ và thêm một lần thấm thía thân phận của mình, thêm một lần ngấm cụm từ “triệu lần dân chủ hơn”.
Hơn mười năm sau, khi cháu Bùi Quang Dũng học đại học Hàng Hải, nhà trường có chủ trương tất cả sinh viên đều làm hộ chiếu. Tôi biết điều gì sẽ đến với cháu, nhưng chẳng lẽ bảo con đừng khai, đừng nộp hồ sơ lên công an. Quả nhiên hồ sơ cháu được Công An Phường ghi: “Bố đi tù 5 năm về tội phản tuyên truyền”. Tôi đã không giữ được bình tĩnh, xé ngay tờ đơn có lời nhận xét của các nhà đương cục, ném vào sọt rác — Thật là một sai lầm. Nếu bây giờ còn, làm một cái scan kẹp vào giũa những trang này có thích không.

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)





    Ký ức làng Cùa
     Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


              PHẦN THỨ HAI

                      Chương mười                                 


7

                                                 
Lê Văn Khải và Lê Văn Nghiên được Lái Lự coi như cháu nội cho ăn học suốt những năm mẹ con bà Hai sang sông.
Năm bốn tám sau khi đỗ bằng tiểu học hai anh em được lên tỉnh học trung học đệ nhất cấp. Khải giỏi hơn được học bổng. Hè năm năm hai, sau khi ra Hải Phòng thi tốt nghiệp, tất cả học sinh nam lớp đệ tứ đều phải đến nhà thương khám sức khoẻ, nếu được sẽ lên Đà Lạt vào quân trường học lớp sĩ quan cấp tốc. Trong lúc làm hồ sơ, Deuxième Bureau phát hiện ra bố đẻ của Lê Văn Khải và Lê Văn Nghiên là Việt Minh. Hai  anh em lập tức bị bắt. Ông Lái Lự phải chạy ngược chạy xuôi, lo lót các cửa mất một món tiền khá lớn mới lôi được hai thằng cháu ra khỏi trại giam Tại Xá. Về làng Bòng, một số thanh niên rủ Khải vào chiến khu Đông Triều nhưng anh ta vốn có mặc cảm trong quá khứ với ông bố Việt Minh nên xem ra không  hào hứng lắm. Ông lái bảo:
- Phải học lấy một nghề mà kiếm sống. Ta xem các cháu không hợp với nghiệp binh đao.
- Hay là chúng cháu lại ra tỉnh? - Lê Văn Nghiên ngập ngừng  hỏi.
- Ra tỉnh không bằng vào rừng. - Ông lái khuyên. - Thời buổi nhiễu nhương này ở nơi đô hội dễ hỏng người.
Mấy hôm sau Khải rủ Nghiên vào trại Vân Quan học nghề thợ mộc với ông Phó Đằng. Ông Đằng khó tính mà lại dữ đòn, lơ mơ là lấy dùi đục quật ngay. Có những hôm hai anh em thâm tím cả người. Tối nào ông Phó cũng đánh xóc đĩa. Dân xóc đĩa toàn phường buôn bán đủ mánh khoé lừa lọc, có những hôm thua cháy túi ông Đằng phải gán cả cưa đục. Được khoảng nửa năm, nghề chẳng thành mà lại hay bị đòn oan, hai anh em đành bái biệt ông thày cờ bạc xuôi xuống mạn Yên Cư. Đến ngã ba Dốc Cây Thị, Nghiên bảo:
- Anh em ta tạm chia ra mỗi người một hướng mà đi, hẹn đến tết gặp nhau tại nhà, vạn nhất có chuyện gì xảy ra sau này còn có người nuôi mẹ.
Khải gật đầu :
- Em nói phải. Thực ra đi tìm việc như thế này chỉ là bất đắc dĩ không hợp với chí hướng của anh.
Hành lý được chia làm đôi. Nghiên đi về phía thượng nguồn sông Vệ còn Khải rẽ sang vùng Sàn Lạng. Trời sắp tối mà đường có vẻ còn xa mới đến được thị trấn Gôi, Khải đang muốn tìm chỗ nghỉ qua đêm thì thấy giữa cánh đồng có mấy lò gạch đang toả khói. Anh ta tìm đến nơi gặp bọn phu lò đang ăn cơm tối. Khi biết được ý định của Khải, một bác rậm râu đã luống tuổi, gầy hõm mắt, chỉ  vào ngôi nhà cạnh đầm nước cách đây chừng hai ba trăm thước bảo:
- Cô chủ ở trong ấy vào mà xin, ở đây không có chỗ ngủ đâu.
Bọn thợ gạch nghe xong cười hô hố làm Khải sinh nghi định bỏ đi. Một gã mặt tròn, da xù xì như da cóc, cái mũi chẳng khác gì tẩu thuốc lá nháy mắt với bác rậm râu rồi hỏi:
- Có biết chữ không?
Khải ngẫm nghĩ một lúc rồi gật đầu:
- Biết chút ít.

Tình người soi dặm đường, bi kịch của một nhà thơ không chịu …đánh mất mình.

Tình người soi dặm đường, bi kịch của một nhà thơ không chịu …đánh mất mình.


Đặng Văn Sinh


Cuộc hội ngộ gia đình năm 2008


Vào nửa cuối những năm 50 của thế kỷ XX, nhà thơ Hoàng Yến sở hữu một lý lịch mà những văn nghệ sĩ cùng thời với ông, cho dù nằm mơ giữa ban ngày cũng không có được. Đó là một hồ sơ cá nhân, xét từ góc nhìn của các nhà tổ chức mẫn cán, nó được đảm bảo bằng vàng ròng bởi những tên tuổi lớn, từng góp phần tạo dựng nền móng cho chế độ mới sau năn 1945, chẳng những giác ngộ, dẫn dắt Hoàng Yến vào con đường Cách mạng mà còn giới thiệu, kết nạp ông vào Đảng, cùng hoạt động với ông trong tổ chức. Những nhân vật lẫy lừng ấy có thể kể đến Huỳnh Ngọc Huệ (em mẹ nhà thơ), Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Võ Quảng vv… Vì thế, Hoàng Yến tham gia hoạt động phong trào Thanh niên dân chủ từ năm 1938 lúc mới 15 tuổi. Ông cùng người em ruôt, Lê Xuân Mai từng làm giao liên cho Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Duy Trinh hồi hai ông vượt ngục Đắc Lây về. Rồi hai anh em cùng tham gia vệ quốc, cùng thoát ly ra khu IV từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Lê Xuân Mai theo đoàn văn công, từng làm lãnh đạo đoàn, Lê Hoàng Yến từng làm thư ký toà soạn báo Cứu quốc khu IV, thư ký riêng cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, rồi tham gia sư đoàn 304 suốt từ chiến dịch Hoà Bình, đến chiến dịch Điện Biên Phủ…

Cũng như những thanh niên học sinh yêu nước thời kỳ Tiền khởi nghĩa, Hoàng Yến được học hành khá bài bản, có bằng Diplôme là thứ rất cần thiết cho sự nghiệp canh tân đất nước trong tương lai. Hoàng Yến học giỏi, có ý chí vươn lên, giầu bản lĩnh và luôn có chủ kiến trong cách nhìn cuộc sống. Chính vì vậy, ta không lạ gì khi mà nhà thơ luôn dị ứng với hội chứng bầy đàn vốn được hình thành từ thứ học thuyết giáo điều chỉ đề cao vai trò tập thể trừu tượng mà hạ thấp những nỗ lực của những sáng tạo cá nhân.

Hoàng Yến nhận thức Cách mạng như một sự giải phóng thân phận dân tộc nô lệ cùng với việc giải phóng mỗi cá nhân con người bởi những ràng buộc về tư tưởng cổ hủ, lạc hậu trong đó có tình yêu nam nữ. Và, kết quả của công cuộc “giải phóng” có một không hai ấy là mối tình đầy phong vị lãng mạn của chàng trai hào hoa xứ Quảng với nàng công nữ thuộc hàng danh gia vọng tộc triều đình nhà Nguyễn. Thật là “thiên tải nhất thì”, một mối lương duyên không thể nào đẹp hơn nếu ta nhìn dưới con mắt của người dân bình thường khi mà não trạng chưa bị ám ảnh bởi chủ thuyết đấu tranh giai cấp. Không còn nghi ngờ gì nữa. Cặp đôi Hoàng Yến – Lan Châu là thiên tình sử đầy cảm hứng. Nói cách khác, từ việc cưới một Công Tằng Tôn Nữ, Hoàng Yến đã đem ngọn lửa Cách mạng và lòng yêu nước thổi vào gia đình nhà vợ, đến nỗi, không lâu sau, cuối năm 1946, cả chín chị em của nữ sĩ Lan Châu đều dắt díu nhau rời khỏi kinh thành Huế. Đây là cuộc ra đi không tiền khoáng hậu phảng phất niềm bi tráng của Chinh phụ ngâm để rồi cuối cùng trở thành bi kịch…

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Hậu Chuyện kể năm 2000 (tiếp theo)



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)
Kỳ 2


Bùi Ngọc Tấn
                                                           


Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời
Quên tuổi tôi cắm sâu lưỡi dao năm tháng
Thời gian băng hà sọ não tôi
                                                  — Bùi Ngọc Tấn


T
ôi ra tù — từ trại Vĩnh Quang — tháng 4 năm 1973. Một năm cuộc sống khó khăn không hình dung nổi, và càng không hình dung nổi trong những năm tiếp theo.
Khi tôi kêu lên:“Các ông ấy bần cùng hóa nhân dân ghê quá”, Nguyên Bình nghiêm mặt bảo tôi:“Cuộc sống này gần với cuộc sống loài vật. Đâu phải cuộc sống con người”.
Bình nói đúng. Cuộc sống này là một sự đầy đọa.
Hãy nghe một câu trong tham luận của một thuyền trưởng Liên Hợp đánh cá Hạ Long tại đại hội công nhân viên chức: “Tầu cá về, người xuống như dòi”.
Câu đó nói lên tất cả! Hơn thế. Biết bao nhiêu người thèm được như chúng tôi — nhân viên một xí nghiệp thực phẩm — ao ước là dòi!
 Đã ba mươi năm chiến tranh.
Từ lúc tôi còn là một thiếu niên. Đến khi ấy đã là quá nửa đời. Con người chỉ là công cụ phục vụ cho cuộc chiến. Và phải chiến thắng. Không thể thất bại. Dù phải đốt cháy dẫy Trường Sơn. Dù phải đánh đến cái lai quần. Bởi thất bại hay chỉ không chiến thắng thôi, cũng có nghĩa là đổ vỡ tất cả.

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)




    Ký ức làng Cùa
   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


            PHẦN THỨ HAI

Chương mười                                  

                                        5

Bà Cả Huê được ra khỏi buồng giam bị dân quân áp giải về nhà trình báo tài sản trước khi đem ra xét xử. Những người thực hiện cuộc khảo của này là Xã đội Mực, Lê thị Chĩnh Con và Ứng Thị Sót. Bà Chánh mặc bộ váy áo mốc thếch chẳng  khác gì con mẹ ăn mày, quỳ ở chân đống rơm có hai dân quân kèm hai bên. Cố nông Sót nâng cằm bà ta lên bảo :
-Thị Huê nghe đây! Vàng dấu ở đâu phải thành khẩn khai ra, toà sẽ khoan hồng.
Vợ Chánh Đàm lắc đầu:
- Thưa bà cốt cán, nhà này có bao nhiêu tài sản Đội Cải cách đã tịch thu hết, chúng tôi bây giờ cái bát mẻ cũng không có mà ăn lấy đâu ra vàng.
- Cà cuống chết đến đít vẫn còn cay! - Sót túm tóc bà Cả Huê giật mạnh mấy cái rồi lèm bèm chửi hệt như mụ hàng thịt. - Quân mặt sứa gan lim , đồ l... sành ghe đá hút máu mủ của bần cố nông giàu nứt đố đổ vách mà bảo không có vàng, nói chó nó cũng không nghe được .
Xã đội Mực hùng hổ chạy lại giáng liền hai bạt tai làm người đàn bà ngót sáu chục tuổi loạng choạng, đổ vật vào đống rơm. Hắn kéo bà ta dậy bắt quỳ như cũ, giọng rít lên :
- Biết điều thì khai ra vàng ở đâu, nếu không đừng trách.
- Đã bảo là không có vàng. Các ông các bà đánh chết cũng chẳng đào đâu ra.
- A! Con khọm này lỳ gớm nhỉ. Cô Sót đâu, lấy chày giò ra đây.
- Hình như mấy chiếc chày đã được chuẩn bị từ trước. Lê Thị Chĩnh và Ứng Thị Sót, mỗi cô một bên, tốc váy bà Chánh lên ngang đùi thi nhau dần vào hai đầu gối. Bà ta đau quá kêu ồ ồ như bò rống, được một lúc thì đái ra váy khai nồng nặc làm hai cốt cán phải tạm thời bỏ cuộc.

Hậu Chuyện kể năm 2000



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)

Kỳ 1


Bùi Ngọc Tấn


 




 


              Bùi Ngọc Tấn & Hậu Chuyện kể năm 2000

UYÊN THAO

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông gia nhập làng báo sau khi theo đội Thanh Niên Xung Phong vào tiếp quản Hà Nội tháng 10-1954 với vai trò phóng viên cho tờ Tiền Phong. Thời gian này, ông ký bút danh Tân Sắc và bắt đầu sáng tác văn nghệ, dù có lệnh cấm nhà báo viết văn nên phải viết chui tức ký bút danh khác. Cái lệnh kỳ quái này không cản được Bùi Ngọc Tấn sáng tác và ông đã gửi một truyện ngắn — Chị Trúc — dự thi giải văn nghệ của báo Văn Nghệ. Truyện của ông được Tô Hoài khen hay nhưng không được in và tất nhiên không được chấm giải, vì bị cho là nói đến những mất mát của chiến tranh “hơi quá liều lượng.” Tất nhiên sau đó Bùi Ngọc Tấn phải điều chỉnh cách viết để có thể tiếp tục góp mặt trong sinh hoạt văn nghệ nhưng đã cố giữ khoảng cách với “hàng ngũ nhà văn cung đình.”