Nhãn

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

“Vỡ vụn”, cấu trúc của những mảng khối và hiệu ứng tương phản



Đặng Văn Sinh

Giống như tiểu thuyết tâm lý xã hội, nhưng “Vỡ vụn”* lại có hình thức bố cục như là công nghệ lắp ghép những mảng. khối trong nghệ thuật hội họa nhằm tạo hiệu ứng bùng nổ qua sự tương phản. Tuy nhiên, ngay cả ở dạng cấu trúc lạ mắt này, xem ra cũng chỉ được giới hạn trong phạm vi ước lệ, điều đáng quan tâm chính là vấn đề tác giả đặt ra và cách giải quyết những vấn đề ấy trong các mối tương quan xã hội như một triết lý sống.
Cấu trúc “mảng” trong “Vỡ vụn” được hiển thị khá rõ qua ba lĩnh vực đặc trưng: tình yêu, gia đình và chính trị, trong đó, mảng gia đình truyền thống, vốn là đề tài muôn thuở từng tốn không ít giấy mực của nhiều thế hệ cầm bút, lại được tác giả sử dụng phương pháp “ký họa” phác thảo đôi ba nét chấm phá. Trong khi ấy, đề tài chính trị tuy chỉ được nhấn nhá bằng những diễn ngôn khá chừng mực nhưng lại có sức cuốn hút lớp bạn đọc mẫn cảm với thời cuộc bằng bút pháp lý tưởng hóa. Đó là sự kỳ vọng về một bộ máy quản lý nhà nước “liêm chính”, nhưng lại phải đối diện với một thực trạng cay đắng, khi mà tệ nạn chạy chức chạy quyền, được cụ thể hóa bằng những cuộc “đi đêm” ly kỳ, chẳng khác gì thám tử Sherlock Holmes trước mỗi mùa bầu cử.
 Lẽ đương nhiên, tình yêu giống như một “đại khối tự sự” chiếm phần lớn dung lượng tiểu thuyết “Vỡ vụn”. Tình yêu của cặp trai gái khá chênh lệch về tuổi tác này được tác giả nâng niu, chăm sóc, miêu tả dưới nhiều sắc thái khác nhau. Có thể nói người viết rất am tường về ngôn ngữ trái tim, chẳng biết đã từng trải nghiệm hay chưa, nhưng cái cách ông miêu tả diễn biến tâm lý của cả cô gái trẻ giầu cá tính lẫn người đàn ông giảng viên đại học trong quá trình họ tìm đến với nhau thật đáng nể. Bỏ qua những định kiến xã hội hẹp hòi, đặt sang bên thứ quy phạm giả tạo trong một xã hội mà mọi giá trị đang bị tha hóa, mối tình của Chính và Thảo cần được ghi nhận như là sự cố gắng bứt phá khỏi những nghĩa vụ đạo đức, luôn ràng buộc con người, đến với khát vọng tự do nhưng lại có kết cục không mấy suôn sẻ.
Xét đến cùng, chính trị và tình yêu, gia đình thuộc các lĩnh vực khác nhau, thậm chí đối lập nhau, tuy nhiên nếu nhìn nhận dưới khía cạnh thẩm mỹ do sự tương phản tạo ra của nghệ thuật tạo hình di thực sang địa hạt văn chương, thì đây được xem như một kiểu đổi mới hình thức. Bởi lẽ từ lâu, người đọc đã quá “nhờn” với cách thức bố cục cổ điển theo trình tự thời gian tuyến tính, với hệ thống nhân vật được chia làm hai phe “tích cực”, “tiêu cực” xuất hiện trong không gian hai chiều cũng như những đoạn trần thuật khô khan mòn sáo bằng ngôn ngữ thông tấn. Phương pháp dàn dựng bố cục “phản truyền thống”, không chú trọng vào một chủ đề nào, mà lại có xu hướng lấn ra vùng ngoại biên của những tiểu tự sự, “Vỡ vụn” dường như đã tiệm cận về mặt hình thức với phương pháp sáng tác Hậu hiện đại. Mặt khác, nó cũng phần nào thoát khỏi sự ràng buộc cứng nhắc của lối tư duy giáo điều cứ muốn lên giọng tuyên huấn dạy dỗ thiên hạ, mà trượt sang lối tư duy trực cảm phi lý tính, cho dù phương thức diễn ngôn vẫn trung thành với phong cách cổ điển.
Thủ pháp đồng hiện cắt cảnh, nén thời gian, không gian mà tác giả thường sử dụng trong “Vỡ vụn” không mới, song, nó lại có tác dụng hỗ trợ rất đắc lực cho ý tưởng bố cục mảng miếng làm điểm tựa để tác giả khai triển nội dung cuốn sách một cách bài bản mà không bị rối. Như vậy, xét về mặt hình thức, “Vỡ vụn” có xu hướng đổi mới rõ rệt. Bằng chứng là, khi cầm cuốn sách trong tay, chúng ta có đủ sự “dũng cảm” đọc liền một mạch từ trang đầu cho đến trang cuối mà không rơi vào tình trạng “liếc mắt một cái đọc thoáng mươi dòng”. Một điều đáng nói nữa là, khi gấp cuốn sách lại, tôi dám chắc, cảm xúc của mỗi người không hề giống nhau như trước đây từng đọc loại tiểu thuyết “quốc doanh”, mặc dù bất cứ ai cũng có một mẫu số chung là ngậm ngùi, tiếc nuối cho một gia đình trí thức “vỡ vụn”, một tình yêu đẹp như mơ cũng có nguy cơ “vỡ vụn”, cũng như ông bí thư kiêm chủ tịch tỉnh kia, tuy có bằng tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng, lại sinh ra trong một gia đình quan chức gạo cội, những chắc gì hoạn lộ đã hanh thông khi mà chốn quan trường đầy cạm bẫy, lắm mưu mô, lúc nào cũng sẵn sàng hạ gục nhau bằng những chiêu trò không mấy quân tử, tuy vẫn gọi nhau là đồng chí.
Như phần trên đã nói, hiệu ứng của “Vỡ vụn” không nằm trong bản thân những sự kiện được tác giả trần thuật bằng lớp ngôn từ hấp dẫn, mà giá trị của nó là ở sự tương phản. Sự tương phản này quy chiếu từ lịch sử, văn hóa, đạo đức đến hành vi ứng xử và diễn biến tâm lý của mỗi công dân trong mọi hoạt động xã hội, bao hàm cả hoạt động chính trị. Có thể thấy, cấu trúc xã hội truyền thống đang đang “vỡ vụn” từng mảng theo quy luật không thể đảo ngược mà một trong những nhân vật chính tạo nên hội chứng dở khóc dở cười này là phó giáo sư tiến sĩ Phạm Hồ Thu.
Bản chất của “vỡ vụn” đi từ cái đơn nhất đến cái phổ quát, giống như hiệu ứng domino, bắt đầu là tình yêu, quan hệ vợ chồng rồi cuối cùng là xã hội. Tuy nhiên, dù nhìn nhận dưới quan điểm nào thì, trình độ học vấn, học vị, học hàm chỉ như một loại nghề nghiệp để con người kiếm sống. Điều quan trọng hơn cả là tầm văn hóa và cách ứng xử với cộng đồng qua những giá trị bền vững vốn là truyền thống của dân tộc và lịch sử văn minh nhân loại. Những thứ đó Phạm Hồ Thu không hề có nhưng lại tự huyễn hoặc mình bằng thứ niềm tin cuồng tín đến mức bệnh hoạn. Vì thế, ta có thể hình dung, “Vỡ vụn” là tiểu thuyết của những chuỗi tương phản, và rõ nét nhất là cặp vợ chồng Chính, Thu. Đây cũng chính là ý tưởng nghệ thuật của tác giả nhằm kiến giải những điều bất cập trong xã hội đương thời, khi mà mọi giá trị đang bị đảo lộn khiến con người mất phương hướng, khủng hoảng niềm tin, phải cầu viện thánh thần để tìm sự yên tĩnh cho tâm hồn. Hiện tượng Phạm Hồ Thu có vẻ như không còn là cá biệt mà đã trở thành “một bộ phận không nhỏ” trong guồng máy quan chức công quyền được đào tạo và bổ nhiệm “đúng quy trình” đang từng bước hóa thân thành lũ sâu mọt đục khoét mục ruống nền kinh tế èo uột, phá nát kỷ cương, rường mối xã hội vốn đã quá nhiều khuyết tật.
Nguy hại hơn nữa, Thu còn là người thầy ở cấp độ học viện, hàng ngày rao giảng thứ học thuyết mà nhân loại tiến bộ đã vứt vào sọt rác lịch sử cho lớp cán bộ rất có khả năng sẽ trở thành những nhà lãnh đạo quốc gia. Thử hỏi tương lai đất nước sẽ ra sao một khi bộ máy quản trị xã hội là những con anh vũ màu sắc sặc sỡ nhưng chỉ hót cùng một giọng với một số lượng từ vựng giới hạn?
Với Thu, tuy là quan hệ vợ chồng nhưng Chính lại ở một thái cực khác. Chính chỉ có bằng cử nhân ngữ văn, không học vị, học hàm, chức danh xủng xoảng như bà vợ hãnh tiến nhưng ông là một nhân cách đáng nể cả ở trình độ học vấn chuyên sâu, bề dày văn hóa và phong thái lịch lãm của một trí thức tự đào tạo mình. Giữa Chính và Thu, nếu có sự tương đồng nào đó, nhiều nhất cũng chỉ là cô con gái tóc dài nhưng lại thừa hưởng trí tuệ của bố đến nỗi nhiều lúc Chuyên phải cãi mẹ “mọi người đều biết, chỉ có mình mẹ là không biết”. Bức tranh toàn cảnh của gia đình Chính, Thu, có thể nói, còn hơn cả sự “vỡ vụn” mà là một bi kịch mang tinh thần thời đại. Và, nếu xét trên bình diện tiểu thuyết cổ điển thì cặp nhân vật này tuyệt đối mang tính hiện thực đầy đủ với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bởi lẽ, cuộc ly thân của hai người hầu như không phát tác từ những sinh hoạt vụn vặt trong đời sống thường nhật, mà từ sự xung đột ý thức hệ, quan điểm sống, hay cụ thể hơn là từ cái phông văn hóa. Thế nhưng, một điều ít người ngộ ra là, bi kịch này có nguyên nhân sâu xa từ khủng hoảng xã hội kéo theo hội chứng lạm phát các giá trị, con người bị/được phân nhiệm vào những vị trí không tương thích với sở trường của họ. Từ đó nảy sinh vô vàn hệ lụy, là điều kiện lý tưởng cho sự tha hóa nhân cách, đạo đức, kéo theo sự xuống dốc không phanh của một xã hội vốn được xây dựng trên cơ sở học thuyết không tưởng.
Sự đổ vỡ trong mối quan hệ gia đình Chính, Thu ngoài phần cốt lõi là hệ ý thức vênh lệch còn có yếu tố chính trị tham gia, tuy cả hai đều là những nhà chuyên môn thuần túy. Nói cụ thể hơn, chính trị đã làm méo mó nhân cách của Thu bằng những tác động ở vùng ngoại biên nhưng có sức công phá đáng kể như một phản ứng dây chuyền. Ngược lại, Chính đứng ngoài chính trị những chính trị lại cố tình lôi anh vào cuộc bằng những kế sách có giá trị thực tiễn cho Thành khi anh ta được bầu làm chủ tịch tỉnh. Xét trên mọi mặt, Chính luôn là người thầy của Thu một cách đúng nghĩa. Ông là hình ảnh của một trí thức lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ học trò nhưng lại bị lép vế trước bà vợ “thiểu năng trí tuệ” và sẵn thói đố kỵ. Thu là đệ tử trung thành của triết lý đám đông, biết tất cả nhưng thực chất không biết một thứ gì cho dù bà ta có nhãn mác phó giáo sư tiến sỹ. Thế nên trong trào lưu “xã hội hóa” giáo sư, tiến sỹ không tiền khoáng hậu này, tự nhiên hình thành vô số “chợ giời” bằng cấp để thỏa mãn tham vọng “hội chứng nhất”, hầu ghi danh vào sách Guiness về một nhà nước có trình độ học vấn cao ngất ngưởng thế giới, nhưng mọi giá trị nhân văn phổ quát lại xếp ở tốp cuối cùng của thế giới. Tệ tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực và thói háo danh của những kẻ cơ hội ở các nấc thang quyền lực đã phá nát kỷ cương xã hội, xổ toẹt vào các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên một môi trường sống quái gở, trong đó, lòng tốt và tinh thần vị tha bị chối bỏ, thay vào đó là sự vận hành theo kiểu chụp giật của các tổ chức băng đảng sặc mùi bạo lực.
Mối tình của Chính và Thảo là mối tình đẹp với đầy đủ các cung bậc tình cảm của thời hiện đại nhưng có vẻ lãng mạn bởi khuynh hướng lý tưởng hóa khá đậm đặc. Thế nhưng, nhân vật “Sáu Ngờ”, về mặt tính cách lại được ghi nhận như là sự sáng tạo nghệ thuật. Trong mối tương quan giữa các nhân vật Chính, Thu, Thảo, Thành, thì những trang miêu tả về tình yêu đôi khi hoàn toàn ngẫu hứng tựa làn gió mát, góp phần điều hòa sự bức bối đang tiệm cận thảm kịch của gia đình Chính, Thu hay những thủ đoạn đấu đá căng thẳng với những biến thái khôn lường giữa Thành và tay phó chủ tịch văn xã nơi chính trường đầy cạm bẫy để giành chiếc ghế chủ tịch tỉnh.
Thảo là cô gái đẹp, trí tuệ mẫn tiệp nên không muốn trao thân gửi phận cho một gã đàn ông tầm thường. Cô gái nhà quê với câu đố tai quái, từng làm thất vọng không biết bao nhiêu “khách đông sàng rắp ranh bắn sẻ” rất có thể mang tiếng “ế chồng” nếu không gặp người đàn ông trên chuyến xe khách Hà Nội – Hải Phòng. Cuối cùng Thảo cũng tìm được tình yêu đích thực, sinh được bé trai kháu khỉnh nhưng phải trả giá đắt khi mà bố cu Đại đã có gia đình và chỉ kém bố mình năm, sáu tuổi.
Cốt truyện diễn ra đến đây khá gay cấn và hầu như không có lời giải thỏa đáng cho cuộc tình tay ba. Tình yêu, hôn nhân và gia đình luôn là đề tài muôn thuở, thời nào cũng có, nhưng điều quan trọng là cái cách xã hội nhìn nhận nó theo chiều hướng chấp nhận hay phản ứng, bởi lẽ nó là một giá trị sống nếu không nói là giá trị thiêng liêng nhất. Điều cần bàn ở đây là, trong khi cả xã hội, nhất là những nhà quản lý ngoảnh mặt làm ngơ, coi đó chỉ là chuyện sinh hoạt, không mấy quan trọng, thì tác giả lại tiếp cận, phân tích sâu bằng hình tượng văn học, đồng thời tỏ thái độ thông cảm nhưng không khuyến khích. Bởi nếu khuyến khích, cổ vũ cho hình thái tình cảm tay ba đầy kịch tính như kiểu Chính, Thu  và Thảo, cuối cùng hẳn sẽ có kết cục “vỡ vụn”…
Hầu hết các trường đoạn viết về mối tình ngang trái giữa Thảo và Chính tác giả đều sử dụng lối văn kể giầu sắc thái biểu cảm, thậm chí còn miêu tả rất cuồng nhiệt những cái ôm riết, những nụ hôn nóng bỏng hay những cuộc làm tình nghiêng ngả đất trời bất chấp thiên hạ sự. Về phong cách văn chương, ngòi bút Nguyễn Bắc Sơn khá linh hoạt khi ông thường xuyên hoán vị các ngôi đại từ nhân xưng cũng như đặc trưng ngôn ngữ của từng nhân vật. Ngôn ngữ giao tiếp cũng như lời độc thoại của Chính thì chuẩn mực, thận trọng luôn lấp lánh một trí tuệ sắc sảo nhưng lại giầu lòng vị tha. Trong khi ấy, ngôn ngữ của Thu thường hàm chứa tính gia trưởng, cay cú, nảy sinh từ thói kiêu ngạo vốn là sản phẩm độc hại của thứ tư duy quyết định luận. Với Thu, chân lý không thuộc về khách quan mà thuộc về kẻ mạnh, tuy nhiên, một khi thứ ngụy chân lý ấy bị ông chồng bóc mẽ thì bà phó giáo sư tiến sỹ giở bài cùn.
Sự kiện Thu bị đột quỵ phải phẫu thuật lấy cục máu đông trong đại não và Chính về quê Thảo trình diện gia đình là những chi tiết rất tiểu thuyết, hoàn toàn phù hợp với diễn biến cốt truyện. Tuy nhiên đấy lại là dấu hiệu cho thấy cả Chính và Thảo đã sử dụng hết tài nguyên trong kho dự trữ của cuộc tình lãng mạn, giờ phải trở lại với hiện thực trần trụi trong một môi trường sống trì trệ luôn dị ứng với tư tưởng “nổi loạn”. Chính chín chắn hơn Thảo nhưng luôn ở thế bị động trước những cuộc “tấn công” rất có “nghệ thuật” của cô gái trẻ đầy bản lĩnh. Chính đã lường trước được một tương lai không mấy sáng sủa khi mà bản thân vừa phải chăm sóc người vợ bán thân bất toại vừa phải tìm mọi cách để giữ thể diện cho Thu cũng như hợp lý hóa mối quan hệ “ngoài luồng” với gia đình Thảo. Đây là bài toán không lời giải nào thỏa mãn cả hai điều kiện trên. Còn Thảo, dù đã chủ động trước những tình huống bất khả kháng, cuối cùng, bị hoàn cảnh xã hội xô đẩy, cô cũng phải thốt lên những lời cay đắng về việc Chính bắt cá hai tay.
Bi kịch của bộ ba Chính, Thu, Thảo cũng là bi kịch của cuộc đời, khi mà trong đó, những giá trị sống vốn bền vững bỗng nhiên bị đánh tráo hoặc thay đổi thang bậc bắt nguồn từ những ngộ nhận ở tầm vĩ mô về chính trị, văn hóa và kinh tế. Chính, Thu, Thảo, xét đến cùng cũng là sản phẩm của một xã hội đang bị phân hóa sâu sắc thành những giai tầng dựa trên căn bản lợi ích nhóm, tạo nên chuỗi mâu thuẫn không thể điều hòa. Sự “vỡ vụn” là không thể tránh khỏi một khi hành vi và thói quen ứng xử của kiểu “trí thức ăn đong” như Thu chỉ càng làm cho hiệu ứng “vỡ vụn” tăng gia tốc. Cũng như Chính, Thảo là nạn nhân trực tiếp của một hệ điều hành lỗi thời, đầy khuyết tật, bảo thủ, trì trệ và không có khả năng sửa chữa. Hành động “nổi loạn” của Thảo chẳng những không cải tạo được hoàn cảnh mà dường như còn làm cho bi kịch tình yêu, gia đình mỗi lúc thêm trầm trọng.
Về mặt cấu trúc tác phẩm, “Vỡ vụn”, ngoài việc sắp xếp các mảng, khối không cùng thuộc tính cạnh nhau nhằm tạo sự tương phản, tác giả còn sử dụng thủ pháp đồng hiện và “nén” thời gian, không gian, xóa nhòa ranh giới quá khứ, hiện tại, giống như kỹ xảo chồng mờ trong điện ảnh để làm gia tăng hiệu quả thẩm mỹ.

Chí Linh, 10/10/2016
       Đ.V.S.

* Tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét