Nhãn

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

“Đất nước mình ngộ quá phải không anh”, một câu hỏi lớn không lời đáp…

“Đất nước mình ngộ quá phải không anh”, một câu hỏi lớn không lời đáp…

Đặng Văn Sinh

Điều dễ nhận thấy là bài thơ ra đời vào thời điểm những bất cập xã hội đã vượt quá giới hạn chịu đựng của con người. Đó là những dòng cảm xúc bất chợt dâng trào mà điểm nhấn của nó là hàng loạt câu hỏi như những dòng cảm thán được hình thành từ tâm thức của một công dân quá yêu đất nước mình.
Bố cục bài thơ gồm năm khổ, trong đó, mỗi khổ đều mở đầu bằng một câu hỏi tu từ được thiết lập trong mối quan hệ đồng đẳng. Câu hỏi tu từ, nghĩa là, hỏi chỉ để tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ, không cần phải trả lời, bởi câu trả lời đã nằm sẵn trong cấu trúc nội tại văn bản. Đây chính là nét đặc trưng của thi pháp thơ truyền thống, không chỉ với người Việt mà cả với cộng đồng nhân loại.
Các câu hỏi mở đầu cho mỗi khổ thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”, “Đất nước mình lạ quá phải không anh”, “Đất nước mình buồn quá phải không anh”, “Đất nước mình thương quá phải không anh”, “Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh?”, được xem như cùng một cấu trúc ngữ pháp, sử dụng nhuần nhuyễn lớp từ vựng thông tục, rất gần gũi với đời sống thường nhật, không chú ý đến các biện pháp tu sức nhưng lại có khả năng biến thái linh hoạt, tạo nên giá trị biểu cảm không giới hạn. Thông thường, với thể loại thơ thế sự cảm thán, những câu hỏi tu từ, luôn được bố trí theo trình tự từ cụ thể đến trừu tượng, khái quát (hoặc ngược lại) để diễn tả một hiện tượng xã hội, lịch sử hay văn hóa, cuối cùng, ý tưởng được “gói” lại trong câu kết làm bài thơ bỗng sáng lên, tạo ấn tượng mạnh với người tiếp nhận gọi là thủ pháp nghệ thuật ngôn từ. Ta có thể kiểm chứng đặc điểm này qua bài “Chợ” của Nguyễn Duy với lời đề từ khá hài hước “Kính tặng vợ nhân đầu năm Con Khỉ”. Bài có bốn khổ thì ba khổ đầu sử dụng câu hỏi tu từ ở cấp độ phi đồng đẳng tăng tiến theo trình tự từ cụ thể đến trừu tượng tạo ra không gian cảm xúc đa chiều với nhiều cung bậc tâm trạng: “Có món ngon nào giá rẻ không em?”, “Có đam mê nào giá rẻ không em?”, “Có yêu thương nào giá rẻ không em”, “Có hạnh phúc nào giá rẻ không em?”. Và, cứ sau mỗi câu lại là một diễn ngôn trần tình đầy chất bi hài, diễn tả tâm trạng ai oán của một nhà thơ được mẹ trót sinh ra gắn với “câu sấm mệnh con cò”.