Nhãn

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

BAO GIỜ CHO ĐẾN ...NGÀY XƯA? (kỳ 2)



Đặng Văn Sinh

Từ nhiều đời nay, vùng chiêm trũng Ba Tổng là nơi quần cư của hàng chục làng nằm dọc con sông Kinh thơ mộng nhưng lắm lúc cũng đỏng đảnh chẳng khác gì cô gái đẹp đã qua thời xuân sắc. Mùa lũ đến, nhất là vào dịp trước rằm tháng Bảy, cư dân bên sông giật mình thon thót mỗi khi nghe sóng vỗ oàn oạp vào kè đá. Các xứ Yên Ninh, đồng Tè, Cao Đôi, Chi Điền, An Điền... nằm trên vùng phù sa cổ, đất đã bạc màu, năng suất lúa thấp nhưng bà con vẫn làm một năm hai vụ, đủ cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người nhà quê. Người nhà quê, cả đời chưa một lần đặt chân đến kẻ chợ nhưng lại hiểu rõ "tính nết" các thửa ruộng như từng đường chỉ trên lòng bàn tay.

BÁO "VĂN NGHỆ" VÀ NHÀ VĂN...




Đặng Văn Sinh



          Đã 10 năm nay tôi không dám đọc báo này cho dù mỗi tuần đều được phát không một tờ trừ thời gian bị cắt do Hội hết tiền. Báo, tạp chí do nhân viên bưu điện mang đến tận nhà, tôi thường xếp vào một chiếc hộp carton để chái bếp, đến khi chiếc hộp đầy không thể nhét được nữa, thì chuyển cho các bà đồng nát với giá rẻ mạt hoặc tặng lại bạn bè trong khi các ấn phẩm vẫn còn "nguyên đai nguyên kiện".
Các bạn nên nhớ rằng, giá báo "Văn nghệ" chỉ 9.800 VND một tờ 24 trang, nghĩa là chưa bằng một nửa bát phở bình dân, vậy mà ế đến mức hầu hết các đại lý đều lảng xa theo tinh thần "kính nhi viễn chi" của Khổng Tử đối với các loại quỷ thần.

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

TỪ ĐIỂN TIỂNG VIỆT CỦA GS NGUYỄN LÂN – PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU (kỳ 2)




Hoàng Tuấn Công

Nhiều trường hợp, GS Nguyễn Lân giảng giải, chú thích sai hoặc quá mơ hồ, chung chung về các sự vật, hiện tượng, kinh nghiệm dân gian trong thành ngữ tục ngữ:
○ “theo voi hít bã mía (Voi ăn mía nhả bã) Chê kẻ hùa theo người khác để mong được hưởng ơn thừa”.
Giải thích nghĩa đen không đúng. Con voi to lớn, nên đôi hàm răng khổng lồ của nó cực khoẻ. Voi lại rất thích ăn mía. Bó mía đối với nó cũng giống như bó cỏ non mềm mà thôi. Bởi vậy, khi ăn mía, nó không “nhả bã” như người, mà dùng vòi cuộn cả cây vào mồm, rồi nhai nuốt cả. Vậy, tại sao dân gian lại nói “Theo voi hít bã mía”? Mía là thức ăn ưa thích nhất của voi. Bởi vậy, quản tượng thường dùng thứ thức ăn vừa mềm, vừa ngọt này để dụ dỗ, thuần dưỡng voi sau những ngày bỏ đói chúng, hoặc làm “phần thưởng” cho những con phải làm việc nặng nhọc. Trong câu tục ngữ “Theo voi hít bã mía”, dân gian đã liên tưởng cách ăn mía của người, để chế giễu sự ngộ nhận, nhầm lẫn về cách ăn mía của voi. Tuy nhiên, có một thực tế là khi ăn, voi tiêu hoá không hoàn toàn. Nghĩa là trong phân voi vẫn còn nguyên sợi xơ thô, thân bã thực vật. (Người Thái Lan có nghề làm giấy thủ công lấy nguyên liệu đã được “sơ chế” từ phân voi). Từ sự quan sát ấy, ý dân gian muốn ám chỉ kẻ “theo voi hít bã mía”, nhưng “bã mía” chẳng thấy đâu, có chăng chỉ là “bã mía” ở trong đống phân voi mà thôi! Và “hít” ở đây vừa có nghĩa dùng răng, lưỡi để chắt, ép lấy chút “cái ngọt thừa” của bã mía tươi, vừa ám chỉ “hà hít” đống bã mía đã được “sơ chế” bởi ông voi khổng lồ!

Bao giờ cho đến...ngày xưa?




Đặng Văn Sinh



Ngày xưa, thường là vào cữ tháng bảy, tiết ngâu, làng Yên giống hệt ông lão ngái ngủ trong bộ chúc bâu nhuộm vỏ già nhờn nhợt màu thời gian, trầm mặc như pho tượng La hán lặng lẽ nhìn thế sự. Sông Kinh Thầy đỏ lừ, trôi miên man dưới vòm trời âm u. Mấy bác lực điền nhàn rỗi ngồi nhấm nháp chén rượu Hóp. Các bà các chị thì than thở về thời tiết xấu, còn lũ chúng tôi, áo tơi, nón lá dắt trâu ra đồng.

Chỉ một loáng, đàn trâu đã bị lùa lên đống Ba Tầng, Mả Gạch hoặc bãi tha ma rồi đứa nào đứa ấy thi nhau vồ châu chấu. Những con chấu cái bụng lặc lè, xanh màu lá mạ, bị ướt, vỗ cánh một cách khó nhọc. Có con không đủ sức vượt chặng đường khá dài từ Đống Chùa đến Gò Quao, rơi xuống đám ruộng bỏ hóa, co cẳng bơi cuống cuồng. Chấu đực nhỏ và gầy như đầu đũa, bay ràn rạt hàng đàn. Lũ này có vẻ lười tuy chúng bay rất khỏe. Các chàng đa tình thường "ngự" trên lưng các nàng tạo thành một cặp chênh lệch như mẹ cõng con. Thấy động, chấu cái cất mình bay lên như tàu "Bà Già" mang theo cả anh bạn đại lãn không mấy chung thủy.

Cào cào đầu nhọn đủ loại xanh đỏ tím vàng bay vù vù. Mỗi khi cất cánh chúng chẳng phải lấy đà. Chạm người hoặc bước chân trâu tới gần, chỉ nghe đến "xoẹt" một tiếng đã thấy chú ta lơ lửng trên trời, để rồi vài giây sau lại thả cái thân hình mỹ miều trong bộ áo mớ ba mớ bảy xuống đám dứa dại bên đầm sen cách đấy không xa dù rằng trời vẫn mưa nặng hạt.