Nhãn

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Bao giờ cho đến...ngày xưa?




Đặng Văn Sinh



Ngày xưa, thường là vào cữ tháng bảy, tiết ngâu, làng Yên giống hệt ông lão ngái ngủ trong bộ chúc bâu nhuộm vỏ già nhờn nhợt màu thời gian, trầm mặc như pho tượng La hán lặng lẽ nhìn thế sự. Sông Kinh Thầy đỏ lừ, trôi miên man dưới vòm trời âm u. Mấy bác lực điền nhàn rỗi ngồi nhấm nháp chén rượu Hóp. Các bà các chị thì than thở về thời tiết xấu, còn lũ chúng tôi, áo tơi, nón lá dắt trâu ra đồng.

Chỉ một loáng, đàn trâu đã bị lùa lên đống Ba Tầng, Mả Gạch hoặc bãi tha ma rồi đứa nào đứa ấy thi nhau vồ châu chấu. Những con chấu cái bụng lặc lè, xanh màu lá mạ, bị ướt, vỗ cánh một cách khó nhọc. Có con không đủ sức vượt chặng đường khá dài từ Đống Chùa đến Gò Quao, rơi xuống đám ruộng bỏ hóa, co cẳng bơi cuống cuồng. Chấu đực nhỏ và gầy như đầu đũa, bay ràn rạt hàng đàn. Lũ này có vẻ lười tuy chúng bay rất khỏe. Các chàng đa tình thường "ngự" trên lưng các nàng tạo thành một cặp chênh lệch như mẹ cõng con. Thấy động, chấu cái cất mình bay lên như tàu "Bà Già" mang theo cả anh bạn đại lãn không mấy chung thủy.

Cào cào đầu nhọn đủ loại xanh đỏ tím vàng bay vù vù. Mỗi khi cất cánh chúng chẳng phải lấy đà. Chạm người hoặc bước chân trâu tới gần, chỉ nghe đến "xoẹt" một tiếng đã thấy chú ta lơ lửng trên trời, để rồi vài giây sau lại thả cái thân hình mỹ miều trong bộ áo mớ ba mớ bảy xuống đám dứa dại bên đầm sen cách đấy không xa dù rằng trời vẫn mưa nặng hạt.


Châu chấu ma ngắn người, to xác, khoác bộ y phục sặc sỡ bẩn thỉu, đôi chỗ điểm những vòng đen lấm tấm vàng như mắt quỷ. Dân nhà quê không ăn chấu ma nên chúng tha hồ sinh sôi nảy nở, tự do ngang dọc trên khắp cánh bãi, bờ đầm. Nơi cư trú lý tưởng nhất với bọn này là những ruộng lạc, ruộng đỗ, bãi ngô sắp đến kỳ thu hoạch. Chấu ma bay rất cao và dai sức. Có lúc cả đàn rào rào trên đầu như đám mây nhỏ, tiếng đập cánh chẳng khác gì người xay lúa. Chúng không sợ trời mưa. Càng mưa càng bay khỏe.

Nhưng những hiệp sĩ nổi tiếng của đồng chiêm thì phải kể đến họ hàng nhà cà cộ. Bọn này thực ra thuộc nòi châu chấu nhưng to xác hơn cả chục lần. Những chú trưởng thành thường khoác bộ cánh xanh nõn chuối hoặc nâu non với cái đầu vuông gồ lên, hai con mắt kép lồi ra trông rất hiếu chiến. Cà cộ thường kiếm ăn trên những trà ruộng hoang. Ban đêm chúng phát ra thứ âm thanh gọi bạn tình nghe cành cạch như hai thanh tre gõ vào nhau. Khu đồng Vàn có những gia đình cà cộ cư trú lâu đời. Lúc trời tạnh ráo, lũ con choai choai tập nhảy tanh tách, chú nào cũng mỡ màng, bụng nhẵn bóng, đầu thò ra cặp râu dài óng ánh như tơ, còn đôi cẳng chân thẳng đuỗn với hàng răng cưa nhọn hoắt có móc chẳng khác gì một đoạn tay mây.

Mải đập châu chấu, lũ trâu vắng chủ, đôi khi lia lưỡi quơ vội vài hàng lúa. Chuyện này đối với cánh trẻ trâu cũng chả mấy hệ trọng. Cùng lắm là về nhà, bị ông bố dữ đòn quất cho vài roi vào mông nếu chủ ruộng đến bắt vạ. Điều đáng quan tâm hơn hết là, lúc chiều tà, cưỡi trâu về làng, bên sườn đứa nào cũng lủng lẳng giỏ "chiến lợi phẩm".

Ngoài cách dùng vỉ đập hoặc vồ bằng tay, người làng Yên còn có kiều "càn" châu chấu rất lợi hại. Ấy là dùng giậm. Giậm đánh chấu phải là thứ giậm cán ngắn vừa tầm tay, nan nhỏ và dẻo được tách mỏng mềm như lụa. Miệng giậm hẹp, phần giữa được ép lại giống như một thứ túi, để sau khi bị lùa vào, chấu không thoát được ra ngoài. Đánh chấu bằng loại công cụ này phải chọn những ruộng lúa nếp sắp đứng cái. Thời điểm tốt nhất là lúc sảng tinh mơ còn lãng đãng hơi sương hoặc khi trời mưa phùn lất phất. Lúc ấy, họ hàng nhà chấu, nhất là chấu non, ướt cánh không bay được. Kể cũng lạ, hình như giống côn trùng này có linh giác nhạy cảm nên chỉ chọn những chân ruộng nếp hoa vàng, hoa râu, dự hương hay tám thơm làm nơi tá túc trong mùa sinh sản. Làng tôi có anh Cu Quắc thường gọi là Quắc Thọt, chuyên nghề quay giậm chấu mang lên chợ Rồng bán kiếm gạo. Tay nghề của anh thuộc loại thượng đẳng, mỗi vụ thu về hàng tạ châu chấu, cao cào nhưng vẫn nghèo rớt mồng tơi, quanh năm đóng khố.

Trước khi xuống ruộng, bao giờ Quắc cũng nhìn trước nhìn sau, thoáng thấy chủ ruộng là phải lỉnh ngay, vì cái trò quay giậm này vô cùng hại lúa, dù xét đến cùng anh vẫn là người có công diệt các loại sâu bọ phá hoại hoa màu. Quắc Thọt quay giậm lúc một tay lúc bằng cả hai tay, dẻo như vũ nữ múa điệu tản hoa. Từ đầu bờ đến cuối bờ, hết một vòng, anh lại vỗ vào đáy giậm, lắc liên tục dồn chấu vào giỏ. Sau khoảng một khắc, cùng lắm là nửa giờ, anh "cày" xong một ruộng, người mệt phờ, xách đồ nghề lên đống cao ngồi nghỉ, rít điếu thuốc lào rồi lại sang ruộng khác, tiếp tục vũ điệu "tango" cho đến khi đầy giỏ.
Sản phẩm của Quắc là một mớ tạp nham gồm cả chấu già, chấu cơm, cào cào non mới ra ràng, nhện chân dài và đủ loại sâu bọ. Sau khi nhúng giỏ chần qua nước sôi, tất cả đều ngả sang màu vàng rơm hoặc nâu đất. Phải chọn thật kỹ để loại bọ xít ra. Bọn này có mùi hăng hắc rất khó chịu, nếu chẳng may nhai phải, bữa cơn sẽ mất ngon.

Nói không quá chút nào, ngoài canh cua đồng, cá rô kho khế, món châu chấu rang ăn với cơm chan nước rau cải luộc được xem là thứ văn hóa ẩm thực rất đặc trưng của người nghèo vùng hữu ngạn sông Kinh Thầy. Những con chấu cái đang mùa sinh sản, bụng căng trứng, rắn đanh, ngấm mỡ bóng loáng, lại được thứ lá chanh bánh tẻ làm gia vị, dậy mùi đến mức, người đi xa, mới về đến cổng làng đã nuốt nước miếng. Chấu rang ăn với cơm gạo tám đen, chiêm trăng hay tám dảnh là thứ lương thực đại trà của người làng Yên đều ngon, nhưng ngon nhất phải là gạo dự hương.

Vị nồng béo của châu chấu hòa quyện với hương thơm đậm đà của gạo dự lưu giữ mãi trong ký ức, đến độ sau này, tôi đã đi khắp các xứ đông đoài, nếm đủ cao lương mỹ vị trên các bàn tiệc sang trọng mà vẫn không thể nào quên được món ăn dân dã ấy. Nó lẳng lặng tiềm tàng trong lục phủ ngũ tạng, thấm vào làn da thớ thịt, để rồi, đến tuổi xế chiều, ngồi buồn, chạnh lòng nghĩ đến quê hương, thì cái hương vị nồng nàn của châu chấu lá chanh rang mỡ ấy lại như bắt ta phải thốt lên câu hỏi ngược đời "bao giờ cho đến ...ngày xưa?".

Đ.V.S.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét